TÁC ĐỘNG CỦA CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 ĐỐI VỚI THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG KHU VỰC NÔNG THÔN VIỆT NAM

TS. Nguyễn Thị Lan Phương

Học viện Ngân hàng

 TÓM TẮT:

          Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của các nền kinh tế trên toàn thế giới. Với sự ứng dụng mạnh mẽ những thành tựu khoa học công nghệ, cuộc cách mạng này đã và đang làm biến đổi sâu sắc, mạnh mẽ về tư liệu sản xuất, làm thay đổi căn bản cách thức con người tác động vào đối tượng sản xuất và làm thay đổi nền sản xuất của xã hội. Cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là vô tận, nhưng thách thức cũng rất lớn đối với thị trường lao động của nước ta nói chung và khu vực nông thôn nói riêng. Bài viết này tập trung giới thiệu về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và phân tích những tác động của nó đối với thị trường lao động ở khu vực nông thôn Việt Nam.

          Từ khóa: cách mạng 4.0, thị trường lao động, nông thôn.

ABSTRACT

The 4th Industrial Revolution is becoming one of the top concerns of economies all the world. With the strong application of scientific and technological achievements, this revolution has been making profound to change in the means of production, fundamentally changing the way people affect the products and change the production of society. The opportunities of the 4.0 industrial revolution are endless, but the challenge is also great for our country’s labor market. This article focuses on the industrial revolution 4.0 and analyzes its implications for the Vietnamese labor market.

  1. Đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4

          Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), là một thuật ngữ với nội hàm bao rộng gồm một loạt các công nghệ tự động hóa hiện đại, trao đổi dữ liệu và chế tạo đi cùng với các hệ thống vật lý trong không gian ảo, internet của vạn vật và internet của các dịch vụ tương tác với nhau và với con người theo thời gian thật. Đặc trưng phổ biến của cách mạng công nghiệp 4: (1) là xu hướng kết hợp công nghệ cảm biến mới, phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây và kết nối Internet vạn vật đang thúc đẩy phát triển máy móc tự động hóa và hệ thống sản xuất thông minh. (2) Công nghệ in 3D cho phép sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh nhờ nhất thể hóa các dây chuyền sản xuất không phải qua giai đoạn lắp ráp các thiết bị phụ trợ. Công nghệ này cho phép in ra sản phẩm bằng những phương pháp phi truyền thống nhờ đó loại bỏ các khâu sản xuất trung gian và giảm chi phí sản xuất. (3) Công nghệ nano và vật liệu mới cho phép tạo ra các cấu trúc vật liệu mới ứng dụng rộng rãi trong hầu hết các lĩnh vực. (4) Trí tuệ nhân tạo và điều khiển học có bước phát triển vượt bậc cho phép con người kiểm soát từ xa mọi thứ, không giới hạn về không gian, thời gian; tương tác nhanh hơn, tốt hơn và chính xác hơn.

          Với cách tiếp cận như trên, CMCN 4.0 có những đặc tính là có tính phức tạp cao và sử dụng mạng lưới tích hợp sản phẩm với quá trình sản xuất. Nền tảng của CMCN 4.0 là thông minh hóa sản xuất (smart) tạo thành một hệ thống có thể lưu trữ thông tin và giao dịch độc lập với nhau (Cyber Physical system). CMCN 4.0 sử dụng hàng loạt các công nghệ mới trong một môi trường tích hợp cao, tạo nên các chuỗi giá trị có sự gắn kết ở mức độ rất cao. Theo chiều dọc, tích hợp tất cả các khâu, công đoạn sản xuất dọc theo chuỗi giá trị. Theo chiều ngang, tích hợp tất cả các yếu tố sản xuất cần thiết (con người, máy móc, nguyên liệu…) vào một khâu hay công đoạn sản xuất. Dòng thông tin số xuyên suốt chuỗi giá trị. Phương thức sản xuất truyền thống là chế tạo từng bộ phận, linh kiện riêng lẻ ở những nơi sản xuất khác nhau, rồi tập trung lại để lắp ráp với nhau. Trong CMCN 4.0, người ta có thể sản xuất tất cả bộ phận, linh kiện tại một nơi nhờ công nghệ in 3D, robot… Với sự tích hợp cao, CMCN 4.0 “dồn nén” chuỗi giá trị, được sản xuất cả về không gian và thời gian, tạo nên cách mạng về cách thức con người tạo ra của cải, vật chất.

          Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có nhiều tác động đến đời sống xã hội trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Theo tổng kết của các tổ chức quốc tế, đến nay, các thành phần chủ yếu của nông nghiệp 4.0 được tập trung các nội hàm sau: (1). ứng dụng cảm biến kết nối vạn vật hầu hết các trang trại nông nghiệp (IoT Sensors); các thiết bị cảm biến và thiết bị thông minh được kết nối và điều khiển tự động trong suốt quá trình sản xuất nông nghiệp giúp ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện vi khí hậu trong nhà kính; (2). Công nghệ đèn LED sử dụng đồng bộ trong canh tác kỹ thuật cao để tối ưu hóa quá trình sinh trưởng, ứng dụng ở các quốc gia có quỹ đất nông nghiệp ít hoặc nông nghiệp đô thị ; (3). Canh tác trong nhà kính, nhà lưới, sử dụng công nghệ thủy canh, khí canh nhằm cách ly môi trường tự nhiên, chủ động ứng dụng đồng bộ công nghệ; (4). Tế bào quang điện (Solar cells) nhằm sử dụng hiệu quả không gian, giảm chi phí năng lượng, hầu hết các thiết bị trong trang trại/ doanh nghiệp được cấp điện mặt trời và các bộ pin điện mặt trời; (5). Sử dụng người máy (Robot) thay cho việc chăm sóc cây trồng, vật nuôi ngày càng trở nên phổ biến, được ứng dụng tại các quốc gia già hóa dân số và quy mô sản xuất lớn; (6). Sử dụng các thiết bị bay không người lái (Drones) và các vệ tinh (satellites) để khảo sát thực trạng thu thập dữ liệu của các trang trại, từ đó phân tích khuyến nghị trên sơ sở dữ liệu cập nhật được để quản lý trang trại chính xác; (7). Công nghệ tài chính phục vụ trang trại trong tất cả các hoạt động từ trang trại được kết nối bên ngoài, nhằm đưa ra công thức quản trị trang trại có hiệu quả cao nhất. Trên thế giới, công nghệ 4.0 đã và đang được thúc đẩy áp dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp – thủy sản tại các nước như Isreal, châu Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan,… Cách mạng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp là hướng phát triển tất yếu của ngành nông nghiệp của nước ta hiện nay.

  1. Khái quát về thị trường lao động khu vực nông thôn ở nước ta hiện nay

          Việt Nam là một đất nước có khoảng 70% dân số sinh sống ở nông thôn. Lao động nông thôn là những người thuộc lực lượng lao động, tham gia hoạt động trong hệ thống các ngành kinh tế nông thôn như trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ trong nông thôn. Đây là lực lượng chủ yếu sản xuất lương thực, thực phẩm cho xã hội và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và hiện đang chiếm tới 71,1% lực lượng lao động cả nước. Hiện nay, cả nước đang có 13,8 triệu hộ nông dân với 78 triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ. Phần lớn lao động nông thôn mặc dù có đủ việc làm, thậm chí làm việc nhiều giờ nhưng vẫn rất khó khăn trong việc cải thiện thu nhập, lực cản chính là do chất lượng lao động còn thấp. Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất lao động xã hội, quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, đặc biệt là khả năng rút lao động nông thôn ra khỏi ngành nông nghiệp. Muốn phát triển nông nghiệp thành công, không thể dựa vào thực tế trên mà phải cơ cấu lại nền nông nghiệp và một trong các giải pháp đó là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

  1. Những tác động của cách mạng 4.0 đến thị trường lao động khu vực nông thôn ở Việt Nam

           Thứ nhất, thay đổi cung và cầu nguồn lao động –  lượng cầu về lao động giản đơn sẽ giảm sút tuyệt đối nhưng cầu về nhân lực chất lượng cao lại tăng cao.

Cách mạng 4.0 mang lại cơ hội rất lớn đối với Việt Nam nhưng những thách thức mà chúng ta phải đối mặt cũng không hề nhỏ, vì công nghệ 4.0 gắn chặt với năng lực trí tuệ của con người. Trong phần lớn của cải sản xuất ra cho xã hội thì của cải do trí tuệ sáng tạo chiếm tỉ lệ rất lớn. Như vậy, cách mạng 4.0 đòi hỏi chất lượng nhân lực cao hơn nhưng số lượng lại giảm đi, vì một khối lượng lao động ít hơn cũng đủ để điều kiển một khối lượng máy móc lớn hơn. Hệ quả là lượng cầu về lao động sẽ giảm sút tuyệt đối nhưng cầu về nhân lực chất lượng cao lại tăng lên.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp: với việc tăng cường tự động hóa và ứng dụng số hóa trong quá trình sản xuất, lao động phổ thông ngày càng mất dần lợi thế; sản xuất đòi hỏi lao động phải có kỹ năng và chuyên môn cao mới có khả năng đáp ứng được nhu cầu của hoạt  động sản xuất. Sự thay đổi này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu lao động có trình độ kỹ thuật cao để cung cấp cho phương thức sản xuất mới.

          Theo số liệu Bản tin cập thị trường lao động Việt Nam Số 13, quý 1, năm 2017 của Tổng cục Thống kê “Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng hoặc chứng chỉ chiếm 21,52%”[2]. Như vậy, số lao động chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật chiếm tỉ trọng rất lớn trên 70%, lao động dạy nghề và trung cấp chuyên nghiệp chiếm tỉ trọng gần 9%, lao động được đào tạo chuyên môn kỹ thuật từ Cao đẳng và Đại học trở lên chiếm tỉ trọng rất nhỏ từ 9% – 11%. Xét ở mức độ đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật thì nguồn nhân lực nước ta chủ yếu là chưa qua đào tạo chiếm trên 70%, điều này ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đến chất lượng nguồn lao động. Nếu số lượng lao động chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật chiếm tỉ trọng lớn thì đa số họ khi tham gia vào thị trường lao động sẽ chủ yếu cung cấp sức lao động ở phân khúc lao động giản đơn, năng suất thấp, giá trị gia tăng thấp.

          Năm 2014 Ngân hàng Thế giới đã công bố bảng xếp hạnh chất lượng nguồn nhân lực của nhiều quốc gia, trong đó chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đạt mức 3,79 điểm (trong thang điểm 10), xếp hạng thứ 11 trong số 12 quốc gia được khảo sát tại châu Á. Hiện nay, việc làm giản đơn, không cần kỹ năng chiếm gần 40% tổng việc làm của cả nước, ở khu vực thành thị tỉ lệ này là 18,1% nhưng khu vực nông thôn thì chiếm gần 50% tổng việc làm. Trong Báo cáo nghiên cứu việc làm tại nông thôn do Văn phòng Hỗ trợ Tư vấn Phản biện và Giám định Xã hội (OSEC), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) thực hiện phân tích: Phần lớn lao động nông thôn mặc dù có đủ việc làm, thậm chí làm việc nhiều giờ nhưng vẫn rất khó khăn trong việc cải thiện thu nhập, lực cản chính là do chất lượng lao động còn thấp. Lao động trong ngành nông nghiệp có số giờ làm việc bình quân thấp với 34,74 giờ/tuần năm 2016 (so với mức chung 47,39 giờ/tuần). Loại hình “lao động tự làm” và “lao động gia đình” là những nhóm lao động yếu thế, công việc không ổn định chiếm tới 66,6% tổng số người đang làm việc ở khu vực nông thôn. Đội ngũ lao động chất lượng cao khu vực này vẫn còn rất thiếu so với nhu cầu xã hội. Chưa đáp ứng được yêu cầu  phát triển các ngành kinh tế chủ lực của  khu vực nông thôn, nhất là để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng như nâng cấp vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị đó.

Sự ra đời của cuộc cách mạng 4.0 là quy luật tất yếu của sự phát triển, tạo ra những cơ hội và thách thức đối với mỗi quốc gia. Trong lĩnh vực nông nghiệp, sự áp dụng thành tựu công nghệ; kết hợp đồng bộ giữa công nghệ về giống; công nghệ chăm sóc gieo trồng, chăn nuôi; công nghệ tưới tiêu; công nghệ thu hoạch và bảo quản sản; công nghệ chế biến… Tất cả các công nghệ đó được tích hợp và điều khiển bởi công nghệ thông minh với cá ứng dụng trên nền tảng internet… đã làm thay đổi phương thức sản xuất. Nhưng trước áp lực này đòi hỏi chúng ta phải có sự chuẩn bị cho người lao động về kiến thức mới, kỹ năng mới. Chính vì vậy, phát triển nguồn nhân lực nông thôn cần hướng tới mục tiêu làm gia tăng giá trị con người trên các mặt trí tuệ, kỹ năng, văn hóa, đạo đức… làm cho nguồn nhân lực này có khả năng đóng góp có hiệu quả nhất vào phát triển kinh tế – xã hội nông thôn.

          Thứ hai, lợi thế lao động giá rẻ bị suy giảm.

          Khác với nông nghiệp công nghệ cao đó là tập trung thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang hiện đại, nông nghiệp 4.0 chính là thay đổi phương thức quản lý nông nghiệp. Theo đó, nông nghiệp 4.0 sẽ mở đường cho những hoạt động sản xuất chính xác, chặt chẽ mà con người không cần có mặt trực tiếp. Lĩnh vực nông nghiệp là một thế mạnh của nước ta. Tuy nhiên, cũng như các lĩnh vực khác, nông nghiệp cũng đối diện với thách thức dư thừa nguồn lao động nông nghiệp. Tình trạng thiếu việc làm đang là một vấn đề khá bức xúc hiện nay, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.

          Cùng với quá trình đô thị hóa hiện nay, lực lượng lao động nông thôn chính là nguồn cung cấp nhân lực cho các khu vực công nghiệp và dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa nền kinh tế. Lợi thế lao động phổ thông giá rẻ của Việt Nam có một giai đoạn đã thu hút được khá nhiều doanh nghiệp di chuyển nhà máy từ Trung Quốc và một số nước khác sang để đối phó với tình hình giá lao động tăng cao tại các nước này. Nhưng trong xu thế của cách mạng công nghệ 4.0, những yếu tố trên không còn là lợi thế của Việt Nam. Cách mạng công nghệ 4.0 giúp đưa ngành công nghiệp chế tạo, sản xuất ở phân khúc giá trị cao quay trở lại các nước phát triển.

          Rô – bốt hóa đang là xu thế tất yếu của công nghiệp hiện đại. Theo một số dự báo, trong một số lĩnh vực, với sự xuất hiện của Robot, số lượng lao động sẽ giảm đi 1/10 so với hiện nay. Như vậy, 9/10 nhân lực còn lại sẽ phải chuyển nghề hoặc thất nghiệp. Cuối năm 2015, Ngân hàng Anh Quốc đưa ra một dự báo: sẽ có khoảng 95 triệu lao động truyền thống bị mất việc trong vòng 10 – 20 năm tới chỉ riêng tại Mỹ và Anh – tương đương 50% LLLĐ tại hai nước này và ở các quốc gia khác cũng sẽ có tình trạng tương tự. Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới 2016 cũng chỉ ra các khu vực/lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 bao gồm bán lẻ; các nhà máy sản xuất ở  các ngành như sản xuất giày dép,  ô tô, chất bán dẫn, chip máy tính, màn hình…Khi rôbốt và tự động hóa lên ngôi, số lượng lao động dư thừa sẽ tăng lên. Điều này cảnh báo những lợi thế về nhân công giá rẻ tại các nước đang phát triển có thể không còn là lợi thế nữa. Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ phải đối mặt với thách thức nêu trên.

           Một báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố tháng 7 vừa qua cho biết, có đến 86% lao động trong các ngành dệt may và giày dép tại Việt Nam có nguy cơ cao mất việc làm dưới tác động của những đột phá về công nghệ, do cuộc CMCN 4.0 đem lại. Nguy cơ này có thể chuyển thành con số thiệt hại không hề nhỏ, khi các ngành như dệt may, giày dép đang tạo ra nhiều triệu việc làm. Trong khi đó, quá trình suốt 20 năm qua tiến dần tới thời điểm “dân số vàng”, tổng số lao động tại Việt Nam đã tăng thêm khoảng 19 triệu người, từ mức 35 triệu lao động năm 1996 lên 54 triệu lao động năm 2016. Lâu nay, đây được xem là một lợi thế của Việt Nam trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, bởi các nước phát triển khác đều đã chuyển qua quá trình suy giảm lao động, chi phí lương cao. Nếu nhu cầu chuyển hóa việc làm từ chỗ dành cho con người sang máy móc, tự động hóa, do CMCN 4.0 mang lại nhanh hơn, thì nguy cơ thất nghiệp cao và có thể bất ổn xã hội là không loại trừ. Điều đó cũng hàm nghĩa, lợi thế nguồn nhân lực lớn hiện nay rất có thể vô hình trung trở thành lực cản của quá trình phát triển trong tương lai, nếu những hệ lụy và tác động tiêu cực của CMCN 4.0 không được chủ động hóa giải.

Đã đến lúc, chúng ta không thể đặt sự phát triển của mình dựa trên lợi thế so sánh lao động giá rẻ nữa. Lợi thế so sánh có hiệu quả bây giờ phải là ứng dụng tri thức, công nghệ. Để có thể làm được việc đó, cần phải có đủ năng lực trí tuệ, khả năng sáng tạo, nắm bắt, làm chủ các công nghệ mới và chủ động hội nhập quốc tế để rút ngắn khoảng cách về với các nước phát triển.

           Thứ ba, phân hóa mạnh mẽ giữa nhóm lao động có kỹ năng thấp và nhóm lao động có kỹ năng cao.

Cách mạng 4.0 đặt ra nhu cầu cao về lao động có khả năng thích nghi và sáng tạo công nghệ. Cách mạng 4.0 cũng sẽ dẫn đến hàng loạt nghề nghiệp cũ sẽ mất đi và thay thế vào đó là những nghề nghiệp mới. Thị trường lao động trong nước cũng như quốc tế sẽ phân hóa mạnh mẽ giữa nhóm lao động có kỹ năng thấp và nhóm lao động có kỹ năng cao.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, sự phát triển của công nghệ sinh học cho phép chọn tạo ra những giống cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với mục đích sử dụng, nó sẽ tác động mạnh mẽ đến năng suất cũng như chất lượng cây trồng vật nuôi, từ đó tăng giá trị gia tăng trong mỗi sản phẩm nông nghiệp. Những phát minh mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin có thể làm tăng khả năng thích ứng của nông dân trước những thay đổi, bằng cách tăng khả năng tiếp cận thông tin thời tiết và thị trường, các công nghệ kỹ thuật số có thể giúp nông dân đưa ra quyết định sáng suốt hơn về thời gian và cây trồng nào, cũng như thời gian và nơi bán cây trồng. Hơn nữa, CNTT phát triển sẽ cắt giảm thời gian và chi phí vận chuyển trong quá trình phán hợp đồng, đánh giá mùa màng và thu hồi các khoản vay thanh toán…Kết nối giữa người sản xuất, người vận chuyển và người tiêu dùng dễ dàng hơn. Chính điều đó đã tạo ra sự bất bình đẳng giữa nông dân công nghệ thấp với nông dân công nghệ cao.

KẾT LUẬN

          Cuộc cách mạng 4.0 trở thành một xu hướng của thế giới. Nó phản ánh sự  phát triển chiều sâu mới của nền kinh tế thế giới. Trước cơ hội mang lại của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, xã hội thông tin, kinh tế tri thức và sự biến chuyển trong các chuỗi giá trị toàn cầu đang tạo ra thời cơ mới cho Việt Nam hội nhập sâu hơn và hiệu quả hơn vào kinh tế thế giới. Đặc biệt, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mới đang trong giai đoạn khởi phát là cơ hội rất quý giá mà Việt Nam phải nhanh chóng đón bắt, tranh thủ để tiến thẳng vào lĩnh vực công nghiệp mới để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thu hẹp khoảng cách phát triển. Tuy nhiên, cuộc cách mạng này cũng tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ sự cân bằng của thị trường lao động nói chung và thị trường lao động khu vực nông thôn Việt Nam nói riêng. Chính vì vậy, Việt Nam cần chủ động có định hướng, giải pháp thiết thực để nắm bắt cơ hội, xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong đó có nhân lực khu vực nông thôn theo các yêu cầu của cuộc cách mạng này.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Kaus Schwab, (2016),Cách mạng công nghiệp 4.0, Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos Thụy Sĩ, tháng 1/2016.
  2. Chu Quang Tiến”Huy động và sử dụng các nguồn lực trong phát triển kinh tế nông thôn – thực trạng và giải pháp”,NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2005.
  3. Tổng cục thống kê (2017), Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam, số 13 quý I.

[1] Học viện Ngân Hàng.

[2] Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam, số 13, quý 1 năm 2017.

Trả lời