HIỂU ĐÚNG VỀ CUỘC THI SÁNG TẠO KHKT Ở CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG

Cuộc thi rộng rãi và thiết thực

Từ nhiều năm nay, Ngành Giáo dục đã tổ chức rộng rãi cuộc thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh các trường phổ thông trong toàn quốc. Theo đó, mỗi học sinh, mỗi nhóm học sinh các trường THCS và THPT đều có quyền đăng ký tham gia với đề tài nào đó dưới sự hướng dẫn của các thầy cô. Cuộc thi khá sôi nổi và có thể nói là khá rầm rộ ở trong nội bộ Ngành. Các tác phẩm đoạt giải tại các trường được đi dự thi ở các cấp cao hơn: quận – huyện – thị xã, tỉnh – thành phố và toàn quốc.

Tôi, phóng viên của Seafit.org.vn, đã từng được dự một số cuộc thi ở các trường và các địa phương. Cảm nhận là ai cũng phải xúc động, trầm trồ, thán phục và bị bất ngờ bởi nhiều tác phẩm rất thông minh, thiết thực cho cuộc sống.

Nhóm các em học sinh lớp 7 ở Trường THCS Chu Văn An (TP Cần Thơ), một ngôi trường vốn có diện tích vô cùng khiêm tốn, do một em nữ đứng đầu đã từng đưa ra thiết kế cho ngôi trường của mình trên một mảnh đất chật hẹp, nhưng vẫn đủ các chức năng cần có cho một ngôi trường như các phòng học, hội trường… Giải pháp mà các em đưa ra là toà nhà cao tầng, trong đó có đủ cả sân chơi thể thao, đường chạy, sân chơi tenis… Những chức năng này được đặt trên tầng thượng rất hợp lý. Các em tâm sự nếu cần thiết thì cả bể bơi cũng được đưa vào thiết kế. Với sáng tạo của mình các em thể hiện phẩm chất biết chấp nhận và sử dụng linh hoạt những điều kiện dành cho mình, không cần thiết phải kêu ca hay đòi hỏi. Các thầy cô và phụ huynh rất xúc động với suy nghĩ của các học trò trường mình, của con em mình. (Hình 1)

Hình 1

Một cuộc thi ở Tỉnh Nam Định có những sáng tạo gây ngỡ ngàng: nào là ấm điện xông hơi (tận dụng những ấm đun nước điện các em chế ra chiếc ấm xông hơi an toàn, gọn nhẹ, không gây bỏng và một số chức năng thông minh khác), nào là hệ thống barie chắn tầu thông minh ngăn ngừa tai nạn ở những nút giao với đường sắt không cần người trực…

Năm ấy, ở Tỉnh Thừa Thiên – Huế có nhóm học sinh đưa ra thiết kế giàn phơi quần áo thông minh, theo đó khi trời mưa hay trời tối, hệ thống giàn phơi tự thu quần áo đưa vào mái hiên, hoặc phòng che mưa nắng. Ngược lại, khi trời đã nắng, giàn phơi lại tự động đưa quần áo ra sân phơi… (hình 2).

Hình 2

Tóm lại, các sáng tạo được công bố tại các cuộc thi hàng năm, dù chúng đoạt giải cao hay thấp, thậm chí là không đoạt giải, cũng thực sự là những trăn trở, tìm tòi của các em và thầy cô hướng dẫn. Chúng rất thiết thực và thiết nghĩ nếu được xã hội quan tâm, sẽ được áp dụng đưa vào cuộc sống khẳng định vai trò sáng tạo của mình.

Cần những nhà đầu tư có tâm

Đáng tiếc, sản phẩm của các cuộc thi hầu như chỉ dành để… thi mà thôi. Các báo chí không tuyên truyền cho các cuộc thi này nên ít người được biết về chúng. Và có lẽ Ngành Giáo dục còn “e thẹn” không tự tin công bố cho đông đảo mọi người cùng biết.

Nhiều ý kiến còn nghi hoặc cho rằng các sản phẩm đó không phải của các em đích thực mà là của các thầy cô thôi (chứ các em làm gì có đủ tầm để sáng tạo được như thế). Ở đây chúng tôi xin có 2 phân tích:

Thứ nhất, các học sinh của chúng ta rất thông minh, các em có thể có những ý tưởng sáng tạo vô cùng bất ngờ mà người lớn cũng không nghĩ ra. Hãy tin tưởng ở con em chúng ta. Ở đây cứ cho là các em không thể tự hoàn thiện được ý tưởng của mình đi. Không sao. Lúc này vai trò của các thầy cô và phụ huynh tham gia đóng góp hỗ trợ giúp đỡ các em sẽ rất bổ ích, có tính bổ trợ để các em hoàn thiện kiến thức của mình. Có thể ví với một trận đấu bóng. Các cầu thủ có thể có những pha bóng hay, nhưng họ không thể tự mình làm nên một trận đấu tập thể. Do vậy, vai trò của HLV được thể hiện là người gắn kết các cầu thủ và phát huy tích cực lối chơi của từng vận động viên.

Thứ hai, cứ cho ý tưởng và hoàn thiện ý tưởng hoàn toàn là của các thầy cô đi. Các em chỉ có vai trò ghi tên vào hồ sơ cho đúng thủ tục dự thi mà thôi. Cũng không sao. Theo qui chế, một nhóm các em sẽ phải đứng ra thuyết minh tác phẩm của nhóm mình, do vậy các em phải nghiên cứu kỹ càng sản phẩm thi danh nghĩa là của nhóm nhưng do thầy “làm hết”. Dễ dàng nhận ra là trong quá trình nghiên cứu để “đối phó” và hợp lý hoá đó, các em đã học được những kiến thức cần thiết rồi. Rất hy vọng từ đây, các em sẽ trở thành những nhà thiết kế sáng tạo tài giỏi trong tương lai

Trên tất cả là những sáng tạo đó, cho dù là của các em hay của các thầy cô (núp bóng) thì chúng cũng rất thiết thực với cuộc sống của chúng ta. Chúng còn có tác dụng giáo dục con người to lớn. Chúng ta nên trân trọng và phát huy. Cần độ lượng và cởi mở để thầy cô và các em có thêm hứng thú, lòng tự tin tham gia cuộc thi, thúc đẩy sáng tạo.

Và mong muốn sẽ có những nhà đầu tư có tâm và nguồn tài chính tận dụng và thừa hưởng những sáng tạo từ cuộc thi để đưa ra những sản phẩm có ích cho cộng đồng. Nếu được như vậy, chúng ta sẽ khích lệ được phong trào sáng chế, phát minh nói chung trong xã hội và nói riêng cho Nghành Giáo dục, phát huy trí tuệ của người Việt Nam, thúc đẩy xã hội phát triển trong thời đại hội nhập.

Trọng Huấn, Đoàn Diệu

Trả lời