Kinh nghiệm của Israel
Sau khi đọc cuốn “Giải pháp Israel cho một thế giới khát nước – Con đường thoát hạn”của tác giả là một nhà xã hội học, một luật sư và cũng là một doanh nhân người Mỹ Seth M. Siegel viết năm 2015, được Nhà xuất bản Thế giới của Việt Nam dịch sang tiếng Việt và ấn hành từ tháng 7/2016, chúng ta sẽ thấy ở đó một chuỗi các câu chuyện cụ thể kể về người thật, việc thật trong cơ chế khám phá tài nguyên nước, biến nước thành một ngành kinh tế có doanh thu lớn từ một quốc gia sa mạc. Người giới thiệu cuốn sách này đã dùng hình ảnh có thật và rất nên thơ để diễn tả rằng:“nước ở Israel đã làm sa mạc nở hoa”! Tít của cuốn sách mang tên “Con đường thoát hạn”, nhưng sau khi đọc nó, ai cũng sẽ cảm giác đó là “Con đường thoát nạn”, “Con đường đệm nước” và “Con đường thăng hoa” để đi lên văn minh, giàu có. Vẫn là quản lý ngành nước, nhưng hầu hết mọi cơ chế và giải pháp khai thác, sử dụng nước tại Israel đều “trái” với Việt Nam. Chính sự trái ngược này là những bài học bổ ích để giải mã các thách thức về nạn nước thiếu, thừa và cực kỳ ô nhiễm tại Việt Nam hiện nay.
Trong bối cảnh đó, những bài học thành công từ cuốn sách 500 trang nói trên là rất cần cho các nhà quản lý kinh tế – chính trị quốc gia và đặc biệt là cẩm nang vàng cho các nhà kỹ trị ngành kinh tế nước của Việt Nam. Cuốn sách đã tổng hợp và gợi mở những quan điểm về quản trị – kinh doanh trong ngành kinh tế nước của Israel. Theo đó, nước để sản xuất và sinh hoạt hiệu quả, nước để người dân phục quốc làm giàu, nước để ổn định xã hội, nước để ngoại giao, thậm chí nước để thay cho súng đạn hay phân biệt chủng tộc…
Triết lý về phát triển ngành kinh tế nước của Israel là: Người sản xuất nước phải là người khai thác, biến tài nguyên nước thành hàng hóa nước cho cộng đồng; Người sử dụng nước phải là người trả tiền thích hợp theo giá cả về nước cho các phí tổn của quá trình biến nước tài nguyên thành nước hàng hóa theo các mục đích sử dụng khác nhau tại địa điểm và thời gian giao nhận xác định. Khi đọc về cơ chế “Quản lý hệ thống nước quốc gia Israel”, chúng ta sẽ tìm ra cẩm nang đặc biệt hấp dẫn không chỉ cho những quốc gia hiếm nước như Israel, mà cho cả những quốc gia dư thừa nước. Israel đã có nhiều nỗ lực đầu tư và tìm ra nhiều nguồn nước, gồm nước mặt từ các dòng sông nội địa và xuyên quốc gia, từ các tầng nước ngầm tại chính vùng sa mạc, từ nguồn khử nước mặn thành nước ngọt, từ xử lý để tái sử dụng trên 95% tổng lượng nước thải và từ nước mưa, thậm chí từ nguồn nước mưa nhân tạo, từ công nghệ sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm, chống rò rỉ và từ “một nền văn hóa tôn trọng nước”.
Ngành kinh tế nước tại Israel không chỉ là môn học giáo dục ý thức quý trọng nước trong các nhà trường, mà sự quý trọng nước còn được thể hiện trong tâm linh của con người. Sách viết rằng: “Về mặt ngôn ngữ, kinh thánh Hebrew là một tài liệu tràn ngập nước: từ “giọt nước” được nhắc đến 35 lần, từ “lũ” xuất hiện 61 lần và từ “đám mây” xuất hiện 130 lần, còn riêng từ “nước” thì được tìm thấy 600 lần…!”.
Hơn nữa, tại Israel, tài nguyên nước thuộc sở hữu toàn dân và được ghi vào Luật Nước từ 1955. Luật này nhấn mạnh:“Cấm tất cả việc khoan lấy nước không có giấy phép ở bất kỳ đâu trên lãnh thổ, kể cả trên những mảnh đất thuộc sở hữu tư nhân. Cấm bất kỳ hình thức phân phối nước nào, trừ phi nếu nó được phân phối qua một đồng hồ đo nước có giấy phép từ công ty cấp nước quốc gia. Tất cả các công ty cấp nước hợp pháp phải lắp đặt đồng hồ nước riêng để đo lượng nước cung cấp cho từng hộ gia đình và từng doanh nghiệp…” Luật Nước chỉnh sửa năm 1959 tiếp tục bổ sung quy định: “Tất cả các nguồn tài nguyên nước đều là tài sản công cộng chịu sự kiểm soát của Nhà nước. Người sở hữu đất không được đồng thời sở hữu tài nguyên nước bên trên, bên dưới hoặc liền kề với đất đai do mình sở hữu…”. Như vậy, chỉ 7 năm sau ngày lập quốc, Israel đã quản lý nước bằng luật!
Nhà máy khử mặn nước biển Hadera
Israel cũng thành lập Cơ quan quản lý nước quốc gia và Cơ quan này được trao quyền độc lập với Chính phủ, hoạt động theo cơ chế “kỹ trị” với việc Quốc hội Israel yêu cầu tách chính trị ra khỏi mọi quá trình quyết định, mà không bị can thiệp bởi các chính trị gia. Cơ quan quan quản lý nước quốc gia chịu trách nhiệm trước Nhà nước và toàn dân về tính minh bạch, tính hiệu quả của cơ chế sản xuất – phân phối – tái tạo nước quốc gia theo hướng ngày một tốt hơn, tiết kiệm và hiệu quả hơn trong mọi lĩnh vực sản xuất và sinh hoạt liên quan tới nước. Cơ quan này thành lập Tổng công ty Nước quốc gia Israel làm đầu mối tổ chức hạch toán, kinh doanh và đo hiệu quả kinh tế bằng giá nước theo cơ chế thị trường. Cơ chế giá nước tính đúng, tính đủ không chỉ tạo điều kiện cho Tổng công ty Nước quốc gia có nguồn thu để trang trải chí phí và hiện đại hóa hạ tầng nước, mà chính người sử dụng cũng tự biết phải tiết kiệm như thế nào để chi tiêu cho nước, nhưng không ảnh hưởng đáng kể đến cơ cấu chi tiêu chung của mình.
Ở Israel, Nhà nước vẫn có những chính sách bảo trợ một phần chi phí về nước cho những trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, mọi chính sách an sinh xã hội đều buộc phải tách bạch khỏi cơ chế mua, bán theo luật định và thị trường. Giáo sư Uri Shani, người đứng đầu Cơ quan quản lý nước đã nói với Chính phủ và các bộ trưởng nội các rằng: “Các vị muốn trợ cấp cho nông dân ở đâu, hay cho người tàn tật, hay muốn mang nước đối ngoại với các nước láng giềng? Không có vấn đề gì. Các vị có thể chiết khấu hay miễn phí hoàn toàn như ý các vị muốn. Nhưng bất cứ những gì các vị lấy đi hoặc phân bổ ra ngoài, Chính phủ phải hoàn trả tiền cho Tổng công ty Nước quốc gia ứng với giá của lượng nước mà các vị đã lấy. Mọi người đều phải chịu chung một luật chơi: dùng nước ai cũng phải trả tiền”. Giờ đây tại Israel, “các thị trưởng muốn lấy nước tưới cho các hàng cây công viên được tươi mát cũng phải dùng tiền ngân sách thành phố để chi trả”. Việc dùng cơ chế giá tính đúng, tính đủ cho nông dân cũng đã tự nhiên làm thay đổi tư duy của người dùng nước theo hướng tiết kiệm và đón nhận các công nghệ tưới tiêu hiện đại, đón nhận các loại cây trồng thích hợp và cơ cấu mùa vụ mới.
Ý nghĩa lớn nhất về cơ chế quản lý nước của Israel trong cuốn sách này chính là giúp chúng ta hiểu sâu hơn những triết lý về nước – Triết lý về ý tưởng, về thái độ, về sự đe dọa, về thái độ ứng phó và về cách “biến nước thành vàng” nhờ cơ chế thị trường cho mọi quốc gia khan hiếm, hay dư thừa nước. Bao trùm lên các bài học đó là nước có giá trị và giá trị gia tăng theo sự phát triển kinh tế – xã hội của cả thế giới. Nếu đã đọc xong cuốn sách, qua thời gian chúng ta có thể quên nhiều tình tiết gay cấn hay hấp dẫn về nước, nhưng chúng ta khó có thể quên những bài học làm nên linh hồn của cuốn sách đó. Sau khi đọc trọn vẹn hơn 500 trang với sức cuốn hút kỳ lạ của nội hàm cuốn sách “Con đường thoát hạn”, tác giả xin được gom lại thành 10 bài học then chốt từ cuốn sách để chúng ta cùng tư duy sâu hơn về nước:
Một là, nước là sở hữu quốc gia. Bản chất nước là sở hữu toàn dân, nhưng nhà nước đóng vai trò thay mặt toàn dân để quản nước bằng pháp luật nghiêm ngặt và bằng chính sách thương mại hóa;
Hai là, nước rẻ là nước đắt. Tất cả các quan niệm “nước là của trời cho” đã trở thành mối đe dọa của chính nước với con người: Thiếu nước thì di cư hoặc chiến tranh vì nước; thừa nước thì phung phí và phá hoại môi trường. Sự thiếu và sự thừa này dù bao cấp với giá nước bằng 0, thì từng quốc gia nói riêng và loài người nói chung sẽ sớm phải trả giá cực kỳ đắt cho những vấn nạn về nước, cả nạn do nước thiếu lẫn nạn do nước thừa;
Ba là, lấy tiền thu từ nước để chi tiêu cho phát triển ngành nước. Nói gọn lại là lấy nước nuôi nước và phát triển nước trong sạch theo nhu cầu dùng nước;
Bốn là, nhà điều tiết nước không đồng thời là chính trị gia. Đây là bài học mang tính cách mạng của ngành kinh tế nước. Dù nước là sở hữu toàn dân, nhưng nhà nước và toàn dân không thể biến nước tài nguyên thành hàng hóa, càng không thể tạo ra nước sử dụng từ nước mặn, từ nước thải hay làm ra nước từ mưa nhân tạo được. Quản lý nước và điều phối nước chỉ có thể công bằng, minh bạch và có trách nhiệm thông qua cơ chế thị trường và kỹ thuật quản lý bằng “kỹ trị”, chứ không thể bằng “hành chính trị/hay chính trị trị”, ngoại trừ luật;
Năm là, sử dụng nước để liên kết các vùng trong nước và các quốc gia có cùng lưu vực dòng chảy. Nước không chỉ là vật chất để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, nước còn là lý do để con người xích lại gần nhau, các vùng và cả quốc gia xích lại gần nhau, thậm chí là lý do để các quốc gia có cùng lưu vực dòng chảy phải lập các ủy ban chung về quản lý nước;
Sáu là, kiến tạo một nền văn hóa tôn trọng nước “phủ sóng” đến mọi nhà trường và mọi công dân;
Bảy là, tổ hợp các lợi ích và nghĩa vụ về nước để hiện thực hóa nền văn hóa nước đưa vào trường học và các cơ quan thông tin để phổ cập các nguyên tắc và ý thức về nước đến toàn xã hội;
Tám là, đổi mới ngành kinh tế nước. Song song với nước, các ngành “ăn theo” hàng hóa nước cũng rất cần phát triển. Đây chính là khu vực hình thành trí tuệ quốc gia về khoa học chinh phục nước trong quá trình thương mại hóa tài nguyên nước ở đẳng cấp ngày một cao hơn;
Chín là, đo lường và giám sát. Mọi gia đình và doanh nghiệp phải nối đường dẫn nước thải của mình ra các nhánh đường nước thải trong khu vực để dẫn đến các bể chứa tập trung ở các trung tâm xử lý của tổng công ty nước quốc gia. Đồng thời, mọi gia đình và doanh nghiệp dùng nước sau công trình phải có đường dẫn vào qua đồng hồ đo nước. Tuyệt đối không cho phép bất cứ đường nước thải nào được đổ trực tiếp ra mặt đất hay sông hồ và tất cả các hộ dùng nước phải trả tiền sử dụng;
Mười là, quy hoạch hôm nay cho ngày mai và tương lai dài hạn. Công ty nước quốc gia phải biết rõ 5 năm, 10 năm và 50 năm tới, các dòng vào và dòng ra của hệ thống nước quốc gia sẽ ra sao để hành động suôn sẻ trên nguyên tắc bảo vệ và phát huy giá trị của nước trên thị trường và trong đời sống kinh tế – xã hội.
Vấn nạn về nước và ngành kinh tế nước của Việt Nam
Trước hết, chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật về cơ chế quản lý nước của Việt Nam. Đó là cơ chế bao cấp, một chiều và ngẫu hứng. Theo đó, việc quản lý nước của Việt Nam đang từ một ngành, nhưng bỗng nhiên biến mất đúng vào lúc cần phải thương mại hóa nó vào giữa thập niên 1990 của thế kỷ trước. Cũng đúng vào thời kỳ mà việc quản lý nước đang cần phải đổi mới để tháo gỡ những thách thức của nước đang ngày càng biến thủy lợi thành thủy hại và đe dọa đời sống kinh tế – xã hội ở mọi lúc, mọi nơi, mọi ngành nghề, thì ngành nước lại biến đi để “trú ẩn” vào một ngành hành chính khác, hay nhóm lợi ích khác một cách khó hiểu? Cũng trong thời gian đó, đã có một đề án rất khả thi của Hội Thủy lợi Việt Nam về thành lập Tổng công ty Thủy lợi Việt Nam theo mô hình Tổng công ty 91, nhưng đã bị các nhà chức trách đương nhiệm nâng lên, hạ xuống và trì hoãn cho đến tận bây giờ vẫn chưa thực hiện được.
Thực trạng ngành nước của Việt Nam hiện nay là: Nước ở đầu vào vận hành theo “mệnh lệnh” hành chính, là đắp đập ngăn sông, khoanh vùng tùy hứng; là mạnh ai nấy đào, mạnh ai nấy dùng; là không rõ tài nguyên nước thuộc sở hữu của ai; giá dịch vụ nước thì gọi là phí với mức bao cấp dưới giá thành… Nước ở đầu ra dùng xong thì căn bản không cần xử lý; không cần tái tạo mà thải thẳng trở lại hồ ao, sông suối, biển cả! Tất cả các dòng sông, con suối ở Việt Nam hiện nay đều đang kiêm nhiệm cả chức năng chứa, luân chuyển và hòa tan nước thải sau sinh hoạt, thậm chí sau sản xuất có chứa chất độc hại vẫn đổ thẳng vào nước tài nguyên. Những cụm từ “sông chết”, “hồ chết”, thậm chí “biển nhiễm trùng” ngày càng xuất hiện nhiều ở các thành phố, tỉnh lỵ, thị trấn, miền duyên hải và cả ở vùng thôn quê một cách rõ ràng hơn!
Kết luận và đề xuất cho Việt Nam
Từ những bài học và nội dung sâu lắng về cơ chế quản lý nước, từ khai thác tạo nguồn đầu vào đến tái sử dụng nước thải ở đầu ra như cuốn sách đã phân tích và thực tế tại Việt Nam, tác giả cho rằng, Việt Nam cần phải sớm trả lại nước cho thị trường, sớm thành lập Tổng công ty (hoặc Tập đoàn) Nước Quốc gia Việt Nam (thay tên của đề án lập Tổng công ty Thủy lợi Việt Nam) để làm đầu mối tổ chức khai thác, kinh doanh, bảo vệ và phát triển ngành nước.
Nên chọn Israel làm địa chỉ tin cậy để đào tạo nhân tài về kỹ trị và kinh doanh nước, để làm cho nước quốc gia không chỉ được bảo toàn, mà còn tái tạo trên thị trường, làm cho nước của Việt Nam sớm trở thành một ngành kinh tế có doanh thu và lợi ích lớn cho cả ba bên: bên bán, bên mua và Nhà nước từ hàng hóa nước và những ngành hàng “ăn theo” hàng hóa nước. Đây là những phạm trù hoàn toàn khả thi cho một Việt Nam “ẩm ướt”, nhưng nước lại bị phung phí và ô nhiễm nặng nề bởi “1001” lý do. Dù đã muộn, song Việt Nam vẫn có thể khắc phục và sửa đổi ngành kinh tế nước dựa trên những giải pháp thần kỳ từ quốc gia sa mạc Israel./.
TS. Nguyễn Đại Lai – Chuyên gia tài chính, ngân hàng
[:]