Viện Nghiên cứu Tài chính, Đầu tư và Hợp tác Thương mại Đông Nam Á
Một số khái niệm công cụ có liên quan
Có nhiều cách định nghĩa, cách hiểu khác nhau về kỹ năng, tùy vào cách tiếp cận.
Theo từ điển Oxford[1], “kỹ năng” là khả năng để làm tốt một công việc nào đó thường có được qua đào tạo hoặc kinh nghiệm. Theo đó, kỹ năng được hiểu là sự thành thạo, tinh thông về các thao tác, động tác trong quá trình hoàn thành một công việc cụ thể nào đó.
Theo Từ điển Giáo dục học (Bùi hiển, 2001), kỹ năng được phân chia thành 2 bậc: Kỹ năng bậc thấp (bậc I) và kỹ năng bậc cao (bậc II). Kỹ năng là khả năng thực hiện đúng hành động, hoạt động phù hợp với những mục tiêu và điều kiện cụ thể tiến hành hoạt động ấy, cho dù đó là hành động cụ thể hay hành động trí tuệ. Ví dụ: Kỹ năng lắp ráp đúng một sơ đồ điện và kỹ năng phân tích các sơ đồ điện trong suy nghĩ, trong trí óc. Để hình thành được kỹ năng trước hết cần có kiến thức làm cơ sở cho việc hiểu biết, luyện tập từng thao tác riêng rẽ cho đến khi thực hiện được một hành động theo đúng mục đích yêu cầu. Có những kỹ năng hình thành hình thành không cần qua luyện tập, nếu biết tận dụng hiểu biết vàkỹ năng tương tự đã có để chuyển sang các hành động mới. Ví dụ, kỹ năng đi xe đạp, có thể giúp rất nhiều cho kỹ năng đi xe máy, Các dạng hành động này thuộc vào kỹ năng bậc thấp.
Kỹ năng bậc cao là khả năng thực hiện hành động, hoạt động một cách thành thạo linh hoạt, sáng tạo phù hợp với những mục tiêu trong những điều kiện khác nhau. Để đạt tới kỹ năng này cần trải qua giai đoạn luyện tập các kỹ năng đơn giản, sao cho mỗi khi hành động, người ta không còn bận tâm nhiều đến thao tác nữa vì nhiều thao tác đã tự động hóa. Trong kỹ năng bậc cao đã chứa đựng nhiều thao tác đạt mức kỹ xảo. Yêu cầu cơ bản của giáo dục, đào tạo chính là làm cho học sinh nắm được kỹ năng bậc cao, bởi kỹ năng đơn giản không bảo đảm được cho hoạt động đạt tới thành công.
Theo Giáo trình Tâm lý học nghề nghiệp (Kim Oanh, 2010), Kỹ năng là khả năng của con người thực hiện công việc một cách có hiệu quả trong một thời gian thích hợp, với các điều kiện nhất định, dựa vào các tri thức, kỹ năng, kỹ xảo đã có.
Theo Đặng Thành Hưng (2016), kỹ năng là dạng hành động tự giác, được thực hiện có kĩ thuật, dựa và những điều kiện sinh học, tâm lí và xã hội ở cá nhân, và có kết quả nhất định đáp ứng mục tiêu hay chuẩn đã định trước. Có kĩ thuật tức là không tùy tiện, mà tuân theo trình tự, qui tắc và yêu cầu kĩ thuật. Kỹ năng luôn có cấu trúc kĩ thuật, tức là các thao tác và trật tự kĩ thuật của chúng.
Như vậy có thể thấy mặc dù có những định nghĩa khác nhau về kỹ năng, tuy nhiên, đều thừa nhận rằng kỹ năng là một quá trình tâm lý, được hình thành khi con người áp dụng kiến thức vào thực tiễn. Kỹ năng có được do quá trình lặp đi lặp lại một hoặc một nhóm hành động nhất định nào đó. Kỹ năng theo nghĩa hẹp hàm chỉ đến những thao tác, hành động của thể của con người. Kỹ năng hiểu theo nghĩa rộng hướng nhiều đến khả năng, đến năng lực của con người.
Theo tiếp cận năng lực thực hiện, kỹ năng là một thành tố quan trọng trong ba thành tố tạo nên năng lực thực hiện của con người (kiến thức, kỹ năng và thái độ). Theo tiếp cận này, vẫn là khả năng của con người để làm tốt một công việc nào đó, nhưng người ta không chỉ nhấn mạnh đến kỹ năng mà là sự hòa quyện nhuần nhuyễn của cả kiến thức, kỹ năng, thái độ để giúp con người thực hiện một công việc nào đó như mong đợi.
Kỹ năng được hình thành khi người lao động áp dụng kiến thức vào thực tiễn. Kỹ năng học được do quá trình lặp đi lặp lại một hoặc một nhóm hành động nhất định nào đó. Kỹ năng luôn có chủ đích và định hướng rõ ràng. Có thể hiểu, kỹ năng là “năng lực hay khả năng của chủ thể thực hiện thuần thục một hay một chuỗi hành động trên cơ sở hiểu biết (kiến thức hoặc kinh nghiệm) nhằm tạo ra kết quả mong đợi”.
Theo World Bank (2014), bộ kỹ năng của người lao động bao gồm nhiều lĩnh vực kỹ năng khác nhau: kỹ năng nhận thức, kỹ năng xã hội và hành vi, và kỹ năng kỹ thuật. Những lĩnh vực này bao gồm các kỹ năng công việc cụ thể, phù hợp cho các ngành nghề cụ thể, cũng như năng lực nhận thức và các tố chất cá nhân khác nhau có ý nghĩa quyết định đến thành công trên thị trường lao động. Các kỹ năng nhận thức bao gồm kỹ năng sử dụng tư duy lô-gíc, trực giác và tư duy phê phán cũng như tư duy giải quyết vấn đề thông qua các kiến thức đã có. Các kỹ năng này bao gồm khả năng đọc, viết và tính toán, và mở rộng đến cả năng lực hiểu được các ý tưởng phức tạp, học hỏi từ kinh nghiệm, và phân tích vấn đề sử dụng các quy trình tư duy lô-gíc. Các kỹ năng xã hội và hành vi bao gồm các tố chất cá nhân có tương quan đến thành công trên thị trường lao động như: cởi mở để trải nghiệm, tận tâm, hướng ngoại, biết cách tán đồng và sự ổn định về cảm xúc. Các kỹ năng kỹ thuật bao gồm sự khéo léo để sử dụng các công cụ, thiết bị phức tạp cho đến các kiến thức cụ thể liên quan đến công việc và các kỹ năng trong các lĩnh vực chuyên ngành như kỹ sư hay y khoa.
Trong thực tế, kỹ năng (nghề nghiệp) rất đa dạng. Để phân loại, người ta dựa vào một số tiêu chuẩn xác định.
- Nếu căn cứ vào yếu tố hợp thành và tính chất phức tạp của hành động, có các loại kỹ năng đơn giản như đọc, viết … và các kỹ năng phức tạp như học tập, vận hành máymóc…..
- Nếu căn cứ vào mức độ biểu hiện của kỹ năng ở các công việc của con người,có:
+ Kỹ năng chung, là loại kỹ năng biểu hiện ở mọi hoạt động của con người như kỹ năng sử dụng các công cụ lao động, kỹ năng học tập, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nghiên cứu….;
+ Kỹ năng riêng, là kỹ năng chỉ có ở một số người và trong hoạt động nghề nghiệp nhất định nào đó nhưkỹ năng hội họa của họa sĩ, kỹ năng điều khiển dàn nhạc của nhạc trưởng…. Ở mỗi nghề, tùy thuộc vào từng trình độ, đòi hỏi công nhân phải có các kỹ năng tương ứng như thợ nguội phải có các kỹ năng dũa, đục, mài, rèn, khoan, cạo….; thợ tiện phải có các kỹ năng sử dụng máy tiện,máy mài, máy khoan, kỹ năng gá, đọc bản vẽ, chọn các thông số kỹthuật….;
- Nếu căn cứ vào mức độ quan trọng của kỹ năng, người ta phân ra các loại:
+ Kỹ năng cơ bản: Gồm những kỹ năng áp dụng để làm việc nói chung không dành riêng cho một nghề hoặc một ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;
+ Kỹ năng chung: Gồm những kỹ năng có thể áp dụng chung cho nhiềulĩnh vực, ngành nghề có liênquan;
+ Kỹ năng cốt lõi: Gồm những kỹ năng cần thiết, bắt buộc phải có để được công nhận là có trình độ nghề nghiệp nhất định nào đó.
– Nếu căn cứ vào tính chất của kỹ năng, người ta còn phân loại ra các kỹ năng cứng và kỹ năng mềm.
+ Kỹ năng cứng (hard skill) là kỹ năng chuyên môn nghề – kỹ năng kỹ thuật cụ thể như khả năng học vấn trình độ chuyên môn cho mỗi công việc, ngành nghề nhất định và kinh nghiệm. Kỹ năng cứng được cung cấp thông qua các môn học đào tạo chính khóa, có liên kết lô-gich chặt chẽ, và xây dựng tuần tự.
+ Kỹ năng mềm (soft skill), theo Từ điển Wikipedia[59] thường hiểu là các kỹ năng không mang tính kỹ thuật (hay còn gọi là Kỹ năng thực hành xãhội) là thuật ngữ liên quan đến trí tuệ xúc cảmdùng để chỉ các kỹ năng quan trọng trong cuộc sống con người như: kỹ năng sống, giao tiếp, lãnh đạo, làm việc theo nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, thư giãn, vượt qua khủng hoảng, sáng tạo và đổi mới…
*Lao động có kỹ năng
Lao động có kỹ năng (skill labour) còn gọi là lao động kỹ thuật hoặc chung nhất gọi là lao động có tay nghề. Đề án nghiên cứu tổng thể về giáo dục-đào tạo và phân tích nguồn nhân lực Việt Nam (VIE/89/022) do UNESCO và Bộ Giáo dục & Đào tạo thực hiện đã đưa ra khái niệm về “Lao động kỹ thuật” và cho rằng lao động kỹ thuật là lao động qua đào tạo được cấp bằng hoặc chứng chỉ của các bậc đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân thống nhất.
Người lao động được xếp vào loại lao động kỹ thuật nếu đủ 2 điều kiện:
- Được đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân thống nhất.
- Được cấp bằng hoặc chứng chỉ của các bậc đào tạo.
Theo khái niệm của dự án VIE/89/022, xét về tính chất lao động thì gồm 2 loại: Lao động kỹ thuật thực hành và lao động chuyên môn.
Thuật ngữ lao động kỹ năng được hiểu là những lao động có trình độ đào tạo nhất định đang làm việc ở những vị trí yêu cầu chuyên môn kỹ thuật cao. Lao động kỹ năng có kiến thức và kỹ năng để làm các công việc phức tạp; có khả năng thích ứng nhanh với thay đổi của công nghệ và vận dụng sáng tạo những kiến thức, kỹ năng đã được đào tạo vào quá trình lao động sản xuất[2]. Thực chất, lao động kỹ năng[3] là những người trực tiếp làm việc tại các vị trí có liên quan mật thiết đến sự ra đời, phát triển, truyền bá và ứng dụng công nghệ.
Qua những phân tích nêu trên, chúng ta thấy giữa lao động có kỹ năng và lao động có tay nghề hoặc có CMKT dường như là được hiểu như nhau, nhưng không hoàn toàn đồng nhất. Tuy nhiên, trong hành động thực tiễn và trong các văn bản, chúng ta có thể chấp nhận được điều này: đó là những lao động có thể làm việc được những công việc có độ phức tạp nhất định (để phân biệt với lao động làm những việc giản đơn- không có tay nghề). Vì vậy, trong tài liệu này, xin được dùng nhóm từ là “ lao động có kỹ năng” hoặc lao động có CMKT với nghĩa như nhau.
* Dịch chuyển lao động
Trong tiếng Anh, dịch chuyển lao động (di chuyển lao động), có những cụm từ liên quan là Lalour Mobility hoặc Lalour Movement, được hiểu chung nhất là người lao động từ một công việc hoặc nơi làm việc chuyển sang làm một công việc khác hoặc di chuyển đến một môi trường mới. Đôi khi đề cập cụ thể đến các dòng di chuyển lao động trên thị trường lao động.
Theo cách hiểu này dịch chuyển lao động có thể gồm:
- Dịch chuyển lao động có tính cá nhân, thuần túy là dịch chuyển việc làm ( từ công việc này sang công việc khác), có thể vẫn trong doanh nghiệp, trong một địa bàn hoặc sang doanh nghiệp khác, địa bàn khác.
- Dịch chuyển lao động gắn với cuộc sống ( theo nghĩa của di dân), có thể là định cư sang nơi ở mới ( ở trong hoặc ngoài nước), không thuần túy vì lý do công việc, có thể là di chuyển theo gia đình.
- Dịch chuyền lao động có tính nhóm (theo dòng dịch chuyển). Dịch chuyển này gắn với cung cầu trên thị trường lao động trong nước hoặc quốc tế.
Tác giả Brent Radcliff[4] trong “The Economics Of Labor Mobility” đã đưa ra định nghĩa dịch chuyển lao động đề cập đến sự dễ dàng mà người lao động có thể di chuyển giữa các ngành nghề trong một nền kinh tế và giữa các nền kinh tế khác nhau. Định nghĩa dịch chuyển lao động này gắn với dòng di dân trong thị trường lao động (trong nước và quốc tế). Những người tham gia vào dịch chuyển lao động bổ sung vào thị trường lao động nơi đến, tạo ra dòng chảy sức lao động từ thị trường này tới thị trường khác. Bản chất của dịch chuyển lao động là nhằm giải quyết vấn đề kinh tế như cung-cầu thị trường, tiền lương, việc làm…. Dịch chuyển lao động, đề cập đến lực lượng lao động, nhằm thu được lợi ích (tiền lương, thu nhập) cao hơn cho lao động của họ trong khu vực, ngành, liên ngành, liên quốc gia, giữa các doanh nghiệp, cũng như việc chuyển dịch nơi làm việc. Dịch chuyển lao động là kết quả của việc thương mại hóa lực lượng lao động là một biểu hiện trực tiếp của việc tối đa hóa giá trị của lao động. Nhìn chung, dòng chảy của lao động giữa các vùng, giúp thu hẹp khoảng cách tiền lương giữa các khu vực. Tuy nhiên, dòng chảy của lao động giữa các vùng, và có thể không cuối cùng loại bỏ sự chênh lệch tiền lương giữa các khu vực.
Nếu xét trong phạm vi quốc tế thì “dịch chuyển lao động quốc tế” chính là sự di chuyển lao động (cá nhân hoặc nhóm cá nhân; tự phát hoặc có tổ chức) từ nước này sang nước khác nhằm tìm kiếm các cơ hội việc làm và thu nhập tốt hơn nơi ở ban đầu.
Như vậy, thuật ngữ “dịch chuyển lao động quốc tế” thể hiện sự tương tác giữa các thị trường lao động quốc gia, tuân theo những quy luật thị trường trong nền kinh tế toàn cầu.
- Công nhận kỹ năng và thỏa thuận thừa nhận kỹ năng trong AIC
Công nhận kỹ năng là sự thừa nhận về kỹ năng theo tiêu chuẩn nhất định.
Một thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA) là một thỏa thuận quốc tế được xây dựng để thúc đẩy hội nhập kinh tế và tăng trưởng thương mại giữa các quốc gia. Điều này đạt được bằng cách giảm các trở ngại pháp lý cho sự vận chuyển của hàng hóa và dịch vụ.
MRA tạo thuận lợi cho thương mại vì chúng làm bằng phẳng con đường đàm phán giữa các quốc gia. Mỗi quốc gia có tiêu chuẩn, các thủ tục và các quy định riêng của mình. Nếu thương mại là lưu thông tự do giữa các quốc gia thì thỏa thuận có thể đạt được trên sự tương đương hoặc phù hợp giữa các quy định, tiêu chuẩn và thủ tục. MRA là công cụ được sử dụng để đạt được thỏa thuận như vậy. MRA trở nên quan trọng trong lĩnh vực đánh giá các tiêu chuẩn tương đương giữa các đối tác đầu những năm 1980. MRA được công nhận chính thức bởi Tổ chức Thương mại Thế giới theo Hiệp định về Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT). Thỏa thuận này đã trở thành cơ sở hướng dẫn cho tất cả các MRA dù trong khu vực công (chiếm đa số) hay trong khu vực tư nhân.
Dịch chuyển lao động kỹ năng theo các Thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRAs) có các đặc điểm khác với di chuyển lao động thông thường ở các khía cạnh:
– Di chuyển lao động kỹ năng theo các Hiệp định công nhận lẫn nhau MRAs giữa các nước ASEAN là sự di chuyển tự do của lao động trình độ cao giữa các nước ASEAN nhằm tìm kiếm các cơ hội việc làm và điều kiện làm việc tốt hơn, nó chịu sự chi phối của những yêu cầu trong Hiệp định khung về các ngành dịch vụ ASEAN 1995, trong đó bao gồm các điều khoản về di chuyển thể nhân[5]. Những công cụ chính để đạt được mục tiêu về di chuyển lao động trong khuôn khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là các Hiệp định công nhận lẫn nhau MRAs, theo đó các Hiệp định này đưa ra các yêu cầu về kinh nghiệm hay kỹ năng cần thiết mà những người hành nghề cần phải được chứng nhận tại một nước khác để ra nước ngoài làm việc. Còn di chuyển lao động thông thường (hay còn gọi là xuất khẩu lao động) là theo các hợp đồng cung ứng dịch vụ lao động giữa các công ty (doanh nghiệp) của hai nước trên cơ sở thỏa thuận chính thức đã ký giữa hai nước về cung ứng lao động (xuất- nhập khẩu lao động), một bên có nhu cầu sử dụng lao đông người nước ngoài và một bên có thể cung cấp số lượng, cơ cấu, chất lượng lao động theo yêu cầu cho bên kia;
– Di chuyển lao động theo MRAs là di chuyển tự do của lao động kỹ năng, họ có thể làm việc tự do hoặc trong các doanh nghiệp, tổ chức hoặc hiệp hội nghề nghiệp. Còn di chuyển lao động thông thường thì người lao động thường làm việc trong những doanh nghiệp hoặc tổ chức, cá nhân đã ký trong hợp đồng;
– Di chuyển lao động theo MRAs là di chuyển của lao động kỹ năng, còn di chuyển lao động thông thường thì thường là di chuyển của lao động kỹ năng trung bình và kỹ năng thấp.
- Thực trạng lao động có kỹ năng ờ Việt nam
Theo số liệu thống kê, năm 2016, dân số từ 15 tuổi trở lên đang hoạt động kinh tế cả nước đạt gần 54,45 triệu người, tăng 461 nghìn người (0,85%) so với năm 2015. Giai đoạn 2006-2016, LLLĐ tăng thêm bình quân 915 người/năm với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 1,9%/năm.
Hình 1: Lực lượng lao động của cả nước và của khu vực thành thị, 2006-2016
Nguồn: – Bộ LĐTBXH, Điều tra Việc làm-Thất nghiệp năm 2006
– TCTK, Điều tra Lao động-Việc làm qua các năm 2007-2016
Theo khu vực thành thị-nông thôn, năm 2016, LLLĐ ở thành thị có 17,45 triệu người, ở nông thôn có gần 37 triệu người/
Theo cơ cấu tuổi, năm 2016, LLLĐ thanh niên (từ 15-29 tuổi) có 13,89 triệu người, chiếm 25,51% tổng LLLĐ của cả nước; LLLĐ trung niên (30-59 tuổi) có 35,84 triệu người, chiếm 65,82%; LLLĐ lao động cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) có 4,72 triệu người. Trong giai đoạn 2006-2016, cơ cấu LLLĐ cũng có sự thay đổi theo hướng tăng nhanh tỷ trọng lao động cao tuổi; giảm tỷ trọng lao động trẻ; đặc biệt trong 3 năm gần đây, tỷ trọng LLLĐ trung niên có xu hướng giảm dần. LLLĐ cao tuổi tăng nhanh đặt ra những thách thức trong đảm bảo và giải quyết việc làm phù hợp cho người cao tuổi.
Về trình độ CMKT, năm 2016 cả nước có 11,39 triệu lao động qua đào tạo có bằng/chứng chỉ (gọi chung là lao động có CMKT/lao động có kỹ năng, bao gồm các trình độ sơ cấp nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học), mới chỉ chiếm 20,92% tổng LLLĐ. Trong đó có 5,02 triệu người có trình độ đại học trở lên (chiếm 44,1%), hơn 1,74 triệu người có trình độ cao đẳng (chiếm 15,26%), 2,89 triệu người có trình độ trung cấp (chiếm 25,39%), 1,74 triệu người có trình độ sơ cấp nghề (chiếm 15,25%). Tỷ lệ tương quan giữa trình độ đại học trở lên với các trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp nghề tương ứng là 1-0,35-0,58-0,35. Tương quan này cho thấy sự bất hợp lý trong cơ cấu lao động có CMKT theo các cấp trình độ, phản ánh tình trạng thiếu kỹ sư thực hành và công nhân kỹ thuật bậc trung, bậc cao trong nền kinh tế.
Bảng 1: Quy mô và tỷ lệ lao động qua đào tạo theo trình độ CMKT, 2007-2016
Năm | 2007 | 2010 | 2014 | 2015 | 2016 | Tốc độ tăng (%/năm) | |
2016 so với 2015 | 2007-2016 | ||||||
1. Quy mô (triệu người) | 8,18 | 7,44 | 9,99 | 10,96 | 11,39 | 3,98 | 3,88 |
2. Tỷ lệ so với tổng LLLĐ (%) | 17,37 | 14,63 | 18,59 | 20,29 | 20,92 | ||
2.1. Sơ cấp nghề | 3,89 | 1,89 | 2,87 | 3,27 | 3,19 | -1,47 | -0,42 |
2.2. Trung cấp | 6,83 | 5,12 | 5,31 | 5,39 | 5,31 | -0,63 | -1,14 |
2.3. Cao đẳng | 1,91 | 1,97 | 2,64 | 3,01 | 3,19 | 6,8 | 7,88 |
2.4. Đại học, trên ĐH | 4,74 | 5,65 | 7,76 | 8,62 | 9,23 | 7,95 | 9,81 |
Nguồn: – Bộ LĐTBXH, Điều tra Việc làm-Thất nghiệp năm 2006
– TCTK, Điều tra Lao động-Việc làm qua các năm 2007-2016
Trong hơn 10 năm qua (2007-2016), mặc dù những nỗ lực trong cải cách hệ thống giáo dục và đào tạo và các chính sách hỗ trợ tăng cường tiếp cận đến giáo dục – đào tạo cho các nhóm đối tượng đặc thù, LLLĐ có CMKT vẫn tăng chậm, bình quân tăng thêm 356 nghìn người/năm (3,88%/năm). Đáng lưu ý, số lượng lao động có trình độ cao đẳng và đại học trở lên tăng khá nhanh (tương ứng 7,88%/năm và 9,81%/năm trong giai đoạn 2007-2016) do sự mở rộng nhanh chóng của hệ thống giáo dục đại học trong những năm qua, song vẫn còn khá phổ biến tình trạng lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên bị thất nghiệp hay chấp nhận làm các công việc giản đơn, trái ngành nghề do không đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Điều quan trọng đối với lao động Việt nam không chỉ là trình độ CMKT (trình độ được đào tạo) mà là kỹ năng làm việc của người lao động. Theo đánh giá của các doanh nghiệp và nhiều tổ chức quốc tế, kỹ năng nghề nghiệp của lao động Việt nam chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp, nhất là các kỹ năng mềm như làm việc theo tổ nhóm, kỹ năng xử lý tính huống, các kỹ năng làm việc trong môi trường đa văn hóa….
Đặc biệt, trong bối cảnh tăng cường hội nhập quốc tế và chuyển giao công nghệ mới, lao động Việt Nam còn thiếu các kỹ năng kỹ thuật và các kỹ năng làm việc cốt lõi. Theo một nghiên cứu trong lĩnh vực may mặc và điện tử của Viện Khoa học Lao động và Xã hội[6] cho thấy, những thay đổi và ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực điện tử và may mặc ở Việt Nam đã và đang kéo theo các yêu cầu về các kỹ năng cụ thể, bao gồm: (i) Kỹ năng kỹ thuật ở mức cao và trung bình, bao gồm những kiến thức và kỹ năng chuyên biệt nhằm thực hiện công việc cụ thể; và (ii) Kỹ năng làm việc cốt lõi (core skills), bao gồm: kỹ năng sử dụng máy tính, internet, khả năng ngoại ngữ, khả năng tư duy sáng tạo và tính chủ động trong công việc, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng an toàn và tuân thủ kỷ luật lao động, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng tập trung, v.v… Tuy nhiên, việc đáp ứng các kỹ năng này của người lao động trong các doanh nghiệp điện tử và dệt may chủ yếu mới ở mức trung bình, thậm chí còn ở mức thấp.
Hình 2.: Ý kiến đánh giá của doanh nghiệp về mức độ đáp ứng kỹ năng của lao động trong doanh nghiệp so với yêu cầu công nghệ mới
{Nguồn: ILSSA tính toán từ số liệu Khảo sát doanh nghiệp thuộc hai lĩnh vực điện tử và may mặc, tháng 11/2016}
- Khả năng dịch chuyển lao động có kỹ năng của Việt nam trong ASEAN
Theo tác giả Pham Quý Thọ (2017), hiện nay số lao động di chuyển trong nội bộ các nước ASEAN là hơn 6,5 triệu người, trong đó, tỷ lệ lao động từ các nước ASEAN chỉ chiếm 34,6%. Ba quốc gia là điểm đến chính của lao động nhập cư đó là Malaysia, Singapore, và Thái Lan (chiếm gần 90%). Tại Malaysia, 42,6% lao động nhập cư từ Indonesia. Tại Singapore, 45% lao động nhập cư là từ Malaysia. Tại Thái Lan, 50,8% lao động nhập cư là từ Myanmar.
Từ cuối năm 2015, việc các quốc gia ASEAN sẽ trở thành một Cộng đồng kinh tế thống nhất (AEC) được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho tăng trưởng trong khu vực, trong đó có nhiều cơ hội để người lao động dịch chuyển sang các nước khác để đáp ứng sự thiếu hụt nhân lực cho các quốc gia này, cải thiện thu nhập và tích luỹ những kinh nghiệm mới cho bản thân. Tuy nhiên, đến nay, các quốc gia mới bước đầu tập trung thảo luận về dịch chuyển của lao động có kỹ năng, thông qua các Thoả thuận về Công nhận tay nghề tương đương (MRA), tạo thuận lợi cho việc tự do di chuyển và quyền tự do làm việc tại các nước trong khu vực đối với 8 nhóm ngành nghề –kế toán, kỹ sư, khảo sát, kiến trúc, điều dưỡng, dịch vụ y tế, dịch vụ nha khoa và du lịch.
Tổ chức lao động Quốc tế ILO dự báo mức di chuyển lao động ban đầu của Việt Nam với thỏa thuận này sẽ dừng ở lại mức 1% nguồn nhân lực và chỉ tập trung vào số nhân lực có tay nghề, kỹ năng, và trình độ ngoại ngữ.
Các chuyên gia chỉ ra sự đan xen giữa các cơ hội và thách thức cho dịch chuyển lao động nước ta. Lao động Việt Nam có cơ hội trong một số ngành như công nghệ thông tin, dệt may, giầy da, chế biến thực phẩm, một số nghề cơ khí… khi dịch chuyển đến một số nước như Singapore, Malaysia, ở đó có nhu cầu bổ sung cho các lĩnh vực về tài chính ngân hàng, marketing mà họ có thế mạnh.
Tuy nhiên, thách thức đối với lao động Việt nam là rất lớn. Như nêu trên, lao động Việt Nam tuy quy mô lớn nhưng chất lượng lao động thấp. Năng lực cạnh tranh của lao động Việt nam kém với mức độ thấp về năng suất lao động, kỹ năng và ngoại ngữ. Theo nghiên cứu của ILO, năng suất lao động của người lao động Việt Nam chỉ bằng 1/5 so với Malaysia, 2/5 so với Thái Lan, và thậm chí chỉ bằng 1/15 so với Singapore. Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá nếu lấy thang điểm là 10 thì chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng.
Ngoài ra, theo các chuyên gia WB, sự chuẩn bị kiến thức, kỹ năng; thái độ và tâm lý để sẵn sàng di chuyển sang làm việc tại các nước ASEAN của lao động Việt Nam là chưa cao. Chỉ xét về đào tạo ngoại ngữ ở Việt Nam, kể cả các thành phố lớn, rất ít lao động Việt Nam học ngôn ngữ của các nước ASEAN như Thái Lan, Lào, Campuchia… Về khả năng sử dụng tiếng Anh, thí sinh Việt Nam có điểm trung bình 5,78 (theo thang điểm từ 0 – 9), thuộc nhóm trung bình thấp; đứng sau Malaysia (6,64), Philippines (6,53), Indonesia (5,97). Theo Chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu 2015 – 2016 (Global Talent Competitiveness Index – GTCI) (nghiên cứu tại 109 quốc gia, chiếm 83,8% dân số thế giới và 96,2% GDP toàn cầu), tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 5 sau các nước Singapore, Malaysia, Philippines và Thái Lan. Nếu tính trên phạm vi toàn cầu về năng lực cạnh tranh nhân tài, Việt Nam hiện xếp thứ 82. Trong các Chỉ số GTCI, yếu tố Lao động tay nghề (Labor & Vocational), Việt Nam chỉ xếp hạng 95 trong tổng số 109 nước.… Đây là vấn đề rất đáng quan tâm khi lao động Việt nam tham gia dịch chuyển lao động trong ASEAN.
- Hàm ý chính sách
Để tăng khả năng tham gia vào thị trường lao động ASEAN, một số kiến nghị hàm ý chính sách như sau:
–Thứ nhất, phải đổi mới mạnh mẽ hệ thống giáo dục đào tạo, nhất là hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Đối với GDNN, điều quan trọng nhất là phải nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng hình thành năng lực thực hành cho người học ngay trong nhà trưởng, hướng tới chuẩn mực khu vực và quốc tế. Người học, ngoài những kiến thức cơ bản về nghề nghiệp, phải được trang bị những kỹ năng mà doanh nghiệp trong nước và ASEAN cần, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), đó là các kỹ năng sáng tạo, kỹ năng xử lý tình huống. Đương nhiên, để dịch chuyển được trong ASEAN, ngoại ngữ là vấn đề “chìa khóa” mà trước hết là tiếng Anh, người lao động phải được trang bị.
– Thứ hai, để lao động Việt nam và các nước có thể tham gia vào thị trường lao động ASEAN, cần tăng cường chia sẻ thông tin về cầu lao động giữa các nước trong khối (ngành nghề, kỹ năng cần có, các điều kiện và thủ tục làm việc….).
– Thứ ba, cần tăng cường trao đổi để tiến tới công nhận kỹ năng nghề giữa các nước thành viên, nhất là khả năng mở rộng các nhóm ngành, nghề, lĩnh vực được tự do di chuyển trong thị trường lao động AEC.
Tài liệu tham khảo
- Bộ LĐTBXH, Điều tra Việc làm-Thất nghiệp năm 2006
- Bùi Hiền, Nguyễn Văn Giao, Nguyễn Hữu Quỳnh, Vũ Văn Tảo (2001), Từ điển giáo dục học, NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội.
- Đặng Thành Hưng (2016), Vai trò của kỹ năng trong sự phát triển con người, Tạp chí Khoa học dạy nghề, số 33, tháng 4/2016
- Nguyễn Kim Oanh (2010), Giáo trình Tâm lý học nghề nghiệp, NXB Đại học Quốc gia Tp. HCM.
- Pham Quý Thọ (2017),Dịch chuyển lao động có tay nghè thúc đẩy dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Viện công nhân và công đoàn
[1] http://www.oxforddictionaries.com/definition/english/skill ngày 25/6/2016
[2] Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước KX.01/11-15, Các giải pháp nâng cao chất luwọng lao động chuyên môn kỹ thuật trình độ cao đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế theo hướng CNH,HĐH, ILSSA 2013.
[3] Các tài liệu nghiên cứu của ILO, ADB, WB…thường chia trình độ lao động theo 3 nhóm kỹ năng: kỹ năng cao (skill hay high skill labour) như người quản lý, nhà hoạt động chuyên môn, kỹ thuật viên…, kỹ năng trung binh (medium skill) như vận hành và sửa chưa máy móc thiết bị, lao động kỹ thuật làm nông nghiệp, lâm nghiệp và đánh bắt thủy hải sản… và kỹ năng thấp (low skill) như có trình độ sơ cấp để làm các công việc giản đơn trong xây dựng, bán hàng, dọn dẹp vệ sinh…
[4] http://www.investopedia.com/articles/economics/09/labor–mobility.asp
[5] ADB/ILO Cộng đồng ASEAN 2015: Quản lý hội nhập hướng tới thịnh vượng chung và việc làm tốt hơn, tr.100-102,
[6] Năm 2016, Viện Khoa học Lao động và Xã hội với sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), đã tiến hành nghiên cứu về “Nhu cầu về kỹ năng lao động trong kỷ nguyên công nghệ mới“ trong hai ngành công nghiệp điện tử và may mặc.