BIẾN KHẨU TRANG THƯỜNG THÀNH KHẨU TRANG DIỆT KHUẨN

Tiếp theo bài viết: Phân tích và đề xuất một số biện pháp phòng chống dịch COVID – 19 của ông Trịnh Huy Châu – chuyên viên kinh tế cấp cao – Viện Nghiên cứu Tài chính, Đầu tư và Hợp tác, Thương mại Đông Nam Á. Theo đó cần coi loại khẩu trang diệt khuẩn  là thứ vũ khí  rất  quan trọng có thể  sử dụng rộng rãi càng sớm càng tốt  để nâng hiệu quả dập dịch.  Trên thị trường hiện có rất nhiều gel diệt khuẩn được phép sử dụng như nước súc miệng Valentine, gel rửa tay khô On1, Betadine v.v. Tiếp tục hưởng  ứng chỉ thị của Thủ tướng chính phủ quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng chống dịch COVID – 19, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc một số ý kiến của PGS.TS Phạm Văn Nho về việc tăng cường xử dụng loại khẩu trang diệt khuẩn từ công nghệ nano oxit titan dưới đây.
Theo PGS.TS Phạm Văn Nho, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội, đeo khẩu trang y tế dẫn đến lượng rác thải rất lớn do không tái sử dụng được. Cách an toàn, bền vững hơn là sử dụng khẩu trang tái sử dụng được, hoặc phun dung dịch diệt khuẩn lên khẩu trang để phòng dịch.

 

Khẩu trang nano TiO2 có thể  tái sử dụng

Loại khẩu trang nào tốt?

PGS.TS Phạm Văn Nho là người đã có nhiều năm nghiên cứu về các sản phẩm diệt khuẩn từ công nghệ nano oxit titan (Nano TiO2). Đây là loại vật liệu có khả năng phân huỷ mọi loại vi khuẩn, virus, nấm mốc thành hơi nước và khí carbonic.

Điều đáng lưu ý là nano bạc tinh khiết mới có các tính năng này, trong khi đó giá của nano bạc tinh khiết khá đắt, không nhiều cơ sở sản xuất mua loại nano này. Khi lựa chọn khẩu trang nano bạc, người tiêu dùng nên chọn sản phẩm có uy tín của các trung tâm, viện nghiên cứu, hoặc các doanh nghiệp có đầu tư bài bản nghiên cứu. Không nên chọn loại khẩu trang chỉ quảng cáo là nano bạc nhưng thực chất không phải loại nano bạc chuẩn, dễ dẫn đến chủ quan, virus dễ dàng xâm nhập.

Đối với loại khẩu trang thông thường như khẩu trang y tế, than hoạt tính… mà người dân sử dụng phổ biến chỉ có tác dụng làm chậm lại quá trình thâm nhập của virus vào cơ thể. Khi sử dụng, người dùng cần phải thay mới càng sớm càng tốt vì khi sử dụng quá lâu, virus có thể tích luỹ dễ làm khẩu trang trở thành nguồn ô nhiễm nặng hơn, dễ gây bệnh hơn. Đối với khẩu trang vải hay khẩu trang y tế, chỉ nên đeo khẩu trang không quá 2 tiếng. Hơn nữa, khẩu trang y tế là một loại rác thải khó xử lý, cần được thu gom đúng cách, nếu sử dụng quá nhiều sẽ gây áp lực lớn đến môi trường.

Khẩu trang vải, về bản chất cũng giống như khẩu trang y tế.  Chúng có thể coi như chiếc màng chắn tạm thời ngăn không cho virus xâm nhập vào đường thở, nhưng cũng chỉ sử dụng một thời gian nhất định rồi phải thay cái mới, giặt sạch và phơi, sấy khô.

Biến khẩu trang thường thành khẩu trang diệt khuẩn

An toàn, tiết kiệm vì tái sử dụng nhiều lần, không gây ra gánh nặng cho môi trường, loại khẩu trang diệt khuẩn tái sử dụng sẽ là giải pháp bền vững để chống dịch corona. Theo PGS.TS Phạm Văn Nho, ngay cả khi hết dịch, loại khẩu trang này vẫn rất cần thiết vì chúng có thể diệt nhiều loại vi khuẩn, virus trong môi trường ô nhiễm. Trên thế giới, loại khẩu trang Nano TiO2 được dùng phổ biến đến chống dịch nhưng có giá thành khá cao, từ 220.000 đồng đến 350.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên ở Việt Nam, loại khẩu trang này có giá rẻ hơn nhiều, khoảng 60.000 đồng/chiếc và có thể sử dụng nhiều lần. Cấu tạo của khẩu trang này đơn giản, bên ngoài làm bằng vải thông thường, ở giữa 2 lớp vải là một lớp bông tẩm nano TiO2. Sau khi sử dụng, tháo lớp bông này và giặt lớp vải bên ngoài, phơi khô lớp vải thì lắp lớp lõi vào và tiếp tục sử dụng.

Lõi tẩm nano TiO2 của khẩu trang có thể tái sử dụng

Nhiều năm nghiên cứu về loại vật liệu Nano TiO2, PGS.TS Phạm Văn Nho còn sáng tạo ra dung dịch  Nano TiO2 Colloid có thể tự phun lên khẩu trang hiện có, biến khẩu trang thông thường thành khẩu trang nano TiO2 diệt khuẩn khi có nhu cầu. Giải pháp này tiện dụng hơn, rẻ hơn và đáp ứng tốt hơn khi nhu cầu khẩu trang diệt khuẩn tăng cao. Nếu không có điều kiện mua loại dung dịch này, lại không có khẩu trang dự trữ để thay, bạn có thể xịt cồn 70 độ lên khẩu trang cũng khiến thời gian sử dụng khẩu trang tăng lên, hay xịt các loại tinh dầu diệt khuẩn lên khẩu trang vải, vừa tạo mùi thơm, vừa diệt khuẩn.

Ngoài ra, PGS.TS Phạm Văn Nho khuyên, không nên quá lạm dụng các loại dung dịch rửa tay khô bởi đây là các loại hóa chất không tốt cho sức khỏe. Các loại nước súc miệng cũng có tác dụng rất tốt để phòng tránh lây nhiễm virus, nên chọn loại không chứa cồn, fluor và các phụ gia độc hại thích hợp cho người già, người bị suy giảm miễn dịch và trẻ em.

Bảo Khánh

Trả lời