Bộ Công Thương vừa hoàn tất việc kiểm tra hoạt động đối với 10 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sau khi bắt đầu thực hiện từ mấy tuần qua, cùng với sự phối hợp giữa các cơ quan công an, quản lý thị trường, tài chính.
Những đơn vị bị kiểm tra đều là những doanh nghiệp có “dấu hiệu”, “hiện tượng” vi phạm pháp luật trong kinh doanh xăng dầu như không đảm bảo điều kiện kinh doanh xăng dầu theo Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu, buôn lậu, mua bán hóa đơn.
Thậm chí, còn có trường hợp doanh nghiệp đầu mối xăng dầu buôn tài chính, sử dụng giấy phép kinh doanh xăng dầu để huy động vốn ngân hàng, không thực hiện đúng chức năng kinh doanh xăng dầu.
Qua kết quả kiểm tra, dự kiến có khoảng 4-5 doanh nghiệp sẽ bị rút giấy phép, trong đó có cả những doanh nghiệp đã được cấp phép rất lâu và chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân.
Việc kiểm tra được thực hiện trong bối cảnh một số đường dây kinh doanh, sản xuất xăng giả bị triệt phá ở nhiều tỉnh thành. Mới đây nhất, Công an tỉnh Đồng Nai đã công bố kết quả triệt phá vụ án buôn lậu, pha chế gần 2,7 triệu lít xăng giả, mua bán trái phép hóa đơn… với quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Liên quan đến vấn đề tại sao phải đăng ký hạn mức nhập khẩu xăng dầu và hạn mức tối thiểu đối với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, việc đặt ra hạn mức đối với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, trực tiếp là vấn đề xuất khẩu và nhập khẩu kinh doanh xăng dầu đã được đặt ra từ lâu (Nghị định 84, Nghị định 83) là để đảm bảo an ninh năng lượng.
“Khi doanh nghiệp được cấp phép trở thành doanh nghiệp đầu mối, hàng năm họ phải đăng ký hạn mức nhập khẩu, nếu không đăng ký hạn mức nhập khẩu thì sẽ thiếu xăng dầu để cung cấp trong nước.
Còn đối với doanh nghiệp phân phối, đại lý họ có quyền lấy xăng dầu từ doanh nghiệp này, doanh nghiệp kia, cho nên số hạn mức họ lấy của 1 doanh nghiệp, của một đầu mối có thể ít, nhưng tổng số của họ để tiêu thụ và trực tiếp vận hành trên thị trường lại nhiều hơn”, ông Hải nói.