CÁC NƯỚC ĐÁNH THUẾ NETFLIX RA SAO?

Nhiều nước trên thế giới đang dần định hình khung chính sách để quản lý hợp lý và đánh thuế các dịch vụ truyền phát trực tiếp như Netflix hay Spotify…

Hôm 6/11, Chính phủ Tây Ban Nha cho biết họ đang chuẩn bị một dự luật theo đó áp dụng mức thuế 5% lên các nền tảng giải trí trực tuyến như Netflix và sử dụng số tiền này để phát triển điện ảnh trong nước.

Chính phủ Canada hôm 3/11 cũng công bố dự thảo chính sách quản lý nội dung các dịch vụ truyền phát trực tiếp.

                Nhiều nước siết quy định dịch vụ truyền phát trực tiếp – Ảnh: REUTERS

Theo Wall Street Journal, dự thảo C-10 có thể cho phép Ủy ban phát thanh – truyền hình và viễn thông Canada (CRTC) phạt các công ty vi phạm giấy phép đăng ký với số tiền lên đến 10 triệu USD.

Úc đã có quy định cụ thể đối với các nội dung chia sẻ trực tuyến. Đạo luật dịch vụ phát sóng năm 1992 của Úc đã đưa ra quy định đối với các nội dung trực tuyến vi phạm pháp luật. 

Đạo luật này được thực thi theo cơ chế khiếu nại và phục vụ mục đích bảo vệ người dùng, đặc biệt là trẻ em, trước các nội dung không phù hợp và có hại.

Tại Philippines, hồi tháng 5, nghị sĩ Joey Salceda đề xuất dự luật đánh thuế vào Netflix và nhiều công ty công nghệ nước ngoài. Theo đó, biện pháp này có thể mang về cho Philippines gần 573 triệu USD hằng năm, giúp nước này hồi phục sau tác động của đại dịch COVID-19.

Trong khi đó, Indonesia đã đánh thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% lên Netflix cùng các công ty công nghệ như Amazon, Google hay Spotify hồi tháng 7. 

 Trả lời phỏng vấn Hãng tin Reuters, người phát ngôn của Netflix cho biết họ sẽ tuân theo: “Chính phủ các nước quyết định quy định về VAT và ở mỗi quốc gia chúng tôi hoạt động, Netflix tôn trọng các quy định đó”.

Ngay tại Mỹ, nhiều tiểu bang cũng cố gắng tạo ra nguồn thu từ xu hướng phát triển của các dịch vụ truyền phát trực tiếp phim ảnh, âm nhạc và nhiều loại nội dung truyền thông khác. 

Một trong những cách được áp dụng là đánh thuế hằng tháng đối với các lượt đăng ký sử dụng dịch vụ. 

Đài CNBC cho biết một nửa số tiểu bang tại Mỹ đã bắt đầu đánh thuế trên đăng ký của người dân cho các ứng dụng Hulu, HBO Now và Amazon Prime…

Hãng tin AFP đánh giá các “gã khổng lồ” công nghệ toàn cầu như Amazon, Google và Netflix thường trả rất ít thuế ở những quốc gia mà họ không đặt trụ sở đại diện.

DOANH THU NGÀN TỈ VẪN KHÔNG NỘP THUẾ

THEO MỘT SỐ CHUYÊN GIA, CHỈ CẦN LẤY SỐ THỐNG KÊ LƯỢNG NGƯỜI DÙNG SỬ DỤNG APP ANNIE NHÂN VỚI TIỀN THUÊ BAO SẼ ƯỚC RA DOANH THU SIÊU KHỦNG CỦA CÁC DỊCH VỤ XUYÊN BIÊN GIỚI.

CHẲNG HẠN, NẾU LẤY PHÍ THUÊ BAO TRUNG BÌNH CỦA NETFLIX TẠI VIỆT NAM LÀ 200.000 ĐỒNG/THÁNG, DỊCH VỤ NÀY CÓ TỔNG DOANH THU 320 TỈ ĐỒNG/THÁNG, ĐẾN HÀNG NGÀN TỈ ĐỒNG/NĂM.

TƯƠNG TỰ, ỨNG DỤNG WETV CÓ THỂ ĐẠT DOANH THU HƠN 15 TỈ MỖI THÁNG, TỨC 180 TỈ ĐỒNG MỖI NĂM; IQIYI CÓ THỂ ĐẠT 21 TỈ MỖI THÁNG, HƠN 250 TỈ ĐỒNG MỖI NĂM.

NETFLIX BẮT ĐẦU CUNG CẤP DỊCH VỤ TẠI VN TỪ NĂM 2016 NHƯNG ĐẾN NAY VẪN CHƯA ĐÓNG THUẾ. CÁC DỊCH VỤ WETV, IQIYI, IFLIX… CŨNG VẬY.

DÙ LUẬT AN NINH MẠNG YÊU CẦU NHƯNG CÁC NHÀ CUNG CẤP DỊCH VỤ NGOẠI NHƯ NETFLIX VẪN CHƯA MỞ CHI NHÁNH HAY VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN CHÍNH THỨC TẠI VN.

Theo Tuổi trẻ
Dẫn theo nguồn: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/cac-nuoc-danh-thue-netflix-ra-sao-d16566.html

Trả lời