Nhiều bộ, ngành xin trả lại vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài
Đến tháng 8/2020, ước thực hiện giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài đạt 21,64% so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Tỷ lệ này so với tháng trước có khá hơn, tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn thấp hơn mức bình quân chung về giải ngân vốn đầu tư phát triển.
Tại hội nghị với các bộ, ngành về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ 8 tháng đầu năm 2020 của Bộ Tài chính ngày 26/8/2020, các bộ, ngành đã báo cáo nhiều nguyên nhân khó khăn, vướng mắc dẫn tới tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài năm 2020.
Nguyên nhân khách quan là tác động của dịch bệnh Covid-19 do hầu hết các hoạt động sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát (các dự án của ngành giao thông)…
“Bộ Tài chính luôn cố gắng phối hợp cùng với các dự án để giải quyết các vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài mặc dù vai trò của Bộ Tài chính là khâu cuối cùng của giải ngân, rút vốn.”
Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại Hoàng Hải
Bên cạnh đó là các nguyên nhân chủ quan như: năng lực của chủ dự án; vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; điều chỉnh, sử dụng vốn dư; kéo dài thời gian rút vốn… làm chậm tiến độ giải ngân nguồn vốn này.
Do không giải ngân được theo kế hoạch, nhiều bộ, ngành xin hoàn trả lại kế hoạch vốn được giao. Điển hình như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin hoàn trả số vốn lên đến 1.800 tỷ đồng; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam xin trả lại số vốn 1.135 tỷ đồng; Bộ Y tế xin trả lại 500 tỷ đồng; Bộ Giáo dục và Đào tạo xin trả lại 147 tỷ đồng…