TS. Nguyễn Dũng Thương – Viện trưởng Viện nghiên cứu Tài chính, Đầu tư và Hợp tác, Thương mại Đông Nam Á
Đặt vấn đề
Đại dịch covid 19 đã và đang tiếp tục làm đảo lộn mọi lĩnh vực cuộc sống của mọi quốc gia, dân tộc, mọi thành phần xã hội, không trừ một ai. Trong đó, ngành kinh tế toàn cầu phải hứng chịu những thiệt hại vô cùng nặng nề. Tại Việt Nam các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng, tỷ lệ phá sản hoặc thua lỗ rất cao, chiếm đến 60 % tổng số doanh nghiệp.
Trước tình hình đó, đòi hỏi chúng ta phải coi chống dịch không chỉ để bảo vệ sức khoẻ và tính mạng con người mà còn tạo điều kiện hồi phục và phát triển kinh tế. Ngược lại, hồi phục và phát triển kinh tế chính là giải pháp cơ bản tạo nên sức mạnh vật chất chiến thắng mọi loại dịch bệnh. Vì vậy, hơn lúc nào hết, các cơ quan nghiên cứu, đặc biệt là các doanh nhân, doanh nghiệp rất cần mạnh dạn đổi mới tư duy và hành động, sáng tạo cái mới, từ bỏ cái cũ kỹ lạc hậu không còn phù hợp với tình hình. Trong đó, sáng tạo mô hình mới nhằm tăng cường kết nối, hợp tác giữa các doanh nhân, doanh nghiệp với nhau và với các thành phần kinh tế khác trong xã hội là giải pháp đột phá rất hữu hiệu để vượt lên mọi khó khăn, không ngừng phát triển. Thực tế cuộc sống hiện tại cũng như tương lai của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đã chứng tỏ sự đúng đắn của chân lý “Liên kết hợp tác hay là chết”.
Hiện nay, những thành tựu của cuộc CMCN 4.0 đã tạo ra nhiều phương tiện công cụ hiện đại có thể giúp các doanh nhân, doanh nghiệp thực hiện được triết lý kinh doanh mới “Liên kết-liên kết nữa-liên kết mãi”. CMCN 4.0 cũng là thứ vũ khí sắc bén chống lại thói quen làm ăn riêng lẻ, khép kín, cạnh tranh không lành mạnh, chạy theo đồng tiền bằng mọi giá v.v. Có thể nói thời kỳ “riêng rẽ khoẻ ăn” đã qua, thời kỳ Win – Win đã tới. Trên qui mô toàn cầu, chủ nghĩa bảo hộ, quan điểm dân tuý cực đoan đang gây cản trở cho xu hướng mở rộng hợp tác đầu tư – thương mại giữa các quốc gia; Vì vậy, những tổ chức tương tự câu lạc bộ (CLB) doanh nghiệp, các tổ chức Hội, hội đồng doanh nghiệp 4.0 sẽ là nhân tố mới tạo cơ hội thuận lợi kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với nhiều đối tác khác nhau trên thế giới. Đó là những điều kiện tiến quyết để sáng tạo ra mô hình hợp tác kinh doanh đầy triển vọng: mô hình “Hội đồng doanh nghiệp 4.0 Việt Nam”.
Trước thời cơ và thách thức trong “thời đại dịch”, một số doanh nhân, doanh nghiệp tâm huyết đã đề nghị Viện Nghiên cứu tài chính, Đầu tư và Hợp tác, Thương mại Đông Nam Á (Seafit) nghiên cứu và chủ trì thành lập một tổ chức Hội bao gồm những doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã, đang và sẽ tích cực ứng dụng công nghệ 4.0 vào các hoạt động quản lý doanh nghiệp, kết nối kinh doanh, xúc tiến thương mại, học tập nâng cao trình độ, sáng tạo sản phẩm mới, dịch vụ mới, trao đổi kinh nghiệm, gặp gỡ giao lưu, vui chơi giải trí v.v…nhằm hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển nhanh và bền vững. Tuy nhiên, để Hội đồng doanh nghiệp 4.0 Việt Nam kịp thời ra đời và đi vào hoạt động hiệu quả, phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, việc quan trọng trước tiên là phải dựa vào những qui định của pháp luật để làm rõ nội hàm của khái niệm “Hội đồng doanh nghiệp 4.0 VN” đồng thời rất cần định dạng thật chính xác mô hình Hội đồng nói trên, tạo thuận lợi trong quá trình thành lập và đi vào tổ chức hoạt động sau này.
I. Về cơ sở pháp lý
1. Ngoài các văn bản pháp qui về doanh nhân, doanh nghiệp, căn cứ vào bản “Qui định về quản lý việc thành lập và hoạt động của Câu lạc bộ trên địa bàn Thành phố Hà Nội” do UBND Thành phố ban hành năm 2001và Nghị định 45/2010/NĐ-CP ngày 21/04/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội, Câu lạc bộ, có thể định nghĩa Hội đồng doanh nghiệp 4.0 Việt Nam như sau:
Hội đồng doanh nghiệp 4.0 Việt Nam nói chung là một tổ chức xã hội, tự nguyện, tập hợp những doanh nhân, doanh nghiệp là những cá nhân hay doanh nghiệp cùng chung mục đích, sở thích thuộc các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, xã hội, khoa học kỹ thuật, văn học nghệ thuật và các hoạt động vui chơi giải trí, nghỉ ngơi, thể thao khác, có nội dung chương trình hoạt động nhằm tập hợp đoàn kết hội viên, hỗ trợ nhau trong công việc và đời sống phù hợp với đặc điểm về nghề nghiệp, thời gian của các thành viên, tuân theo những qui định của pháp luật trên nền tảng ứng dụng và tham gia tiến trình số hóa và chuyển đổi số doanh nghiệp thúc đẩy doanh nghiệp phát triển phù hợp trong tình hình mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
2.Đơn vị được phép thành lập Hội và Câu lạc bộ:
– Theo văn bản đã ban hành “Thủ trưởng các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành, các đoàn thể, các hội quần chúng cấp thành phố có quyền quyết định thành lập Hội, CLB thuộc phạm vi, lĩnh vực hoạt động của Hội”
– Như vậy, Viện Nghiên cứu Tài chính, Đầu tư và Hợp tác, Thương mại Đông Nam Á có đủ thẩm quyền thành lập Hội đồng doanh nghiệp 4.0 Việt Nam. Văn bản xin phép cần được gửi đến Hội Khoa học Đông Nam Á và Ban Tổ chức chính quyền của Thành phố Hà Nội.
– Viện Nghiên cứu Tài chính, Đầu tư và Hợp tác, Thương mại Đông Nam Á ra quyết định thành lập, đồng thời là đơn vị chủ quản của Hội đồng doanh nghiệp 4.0 Việt Nam.
II. Mục tiêu hoạt động của Hội đồng doanh nghiệp 4.0 Việt Nam
– Tập hợp, kết nối các doanh nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ cùng các cá nhân, tập thể đa ngành nghề, đa thành phần trong nước và quốc tế vào một tổ chức xã hội tự nguyên có đầy đủ tư cách pháp nhân mang tên “ Hội đồng doanh nghiệp 4.0 Việt Nam” trực thuộc Viện Nghiên cứu Tài chính, Đầu tư và Hợp tác, Thương mại Đông Nam Á; nhằm đẩy mạnh hợp tác, kết nối kinh doanh, xúc tiến thương mại, học tập nâng cao trình độ, sáng tạo sản phẩm mới, dịch vụ mới, trao đổi kinh nghiệm, gặp gỡ giao lưu, vui chơi giải trí, khôi phục, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển nhanh và bền vững trên nền tảng ứng dụng công nghệ 4.0.
– Tên tiếng Việt : Hội đồng Doanh nghiệp 4.0 Việt Nam.
– Tên tiếng Anh : Business Association 4.0 Vietnam. (Viết tắt là: BAV 4.0)
III. Định dạng mô hình Hội đồng doanh nghiệp 4.0 VN
1. Định nghĩa
Để có cơ sở nghiên cứu định dạng những đặc điểm nổi bật của Hội theo mô hình mới, cần phải làm rõ khái niệm “Hội đồng doanh nghiệp 4.0 VN” là gì? Hội đồng doanh nghiệp 4.0 VN là một tổ chức xã hội tự nguyện do Viện Nghiên cứu Tài chính, Đầu tư và Hợp tác, Thương mại Đông Nam Á thành lập và quản lý, có chức năng tập hợp những doanh nhân, doanh nghiệp đã, đang và sẽ sử dụng CN 4.0 trong hoạt động kinh doanh kết nối với các cá nhân, tập thể đa ngành nghề khác nhau trong nước, ngoài nước nhằm tăng cường sức mạnh đoàn kết, hợp tác cùng có lợi, hỗ trợ nhau cùng phát triển trên cơ sở phù hợp luật pháp Nhà nước trên nền tảng ứng dụng công nghệ số và số hóa doanh nghiệp.
2. Đặc điểm nổi bật: Từ định nghĩa trên có thể nêu lên một số đặc điểm cơ bản của BAV 4.0 như sau:
2.1. BAV 4.0 là một tổ chức xã hội tự nguyện trong lĩnh vực kinh tế:
BAV 4.0 không phải tổ chức chính trị, tổ chức khoa học kỹ thuật, vui chơi giải trí, VHVN, nhân đạo từ thiện v.v. BAV4.0 cũng không phải công ty cổ phần, Cty TNHH. BAV 4.0 là một tổ chức xã hội tự nguyện trong lĩnh vực kinh tế, BAV 4.0 hoạt động linh hoạt, rộng mở nhưng không chạy theo hình thức, lỏng lẻo, mà ngược lại rất nghiêm túc chặt chẽ, có đầy đủ hồ sơ pháp lý, bộ máy điều hành tinh gọn, đội ngũ nhân lực trình độ cao, hợp tác kinh doanh nhiều lĩnh vực, không ngừng mở rộng qui mô và khả năng tài chính v.v nhằm đem lại hiệu quả thiết thực cho mọi đối tượng tham gia trên nền tảng ứng dụng công nghệ số và số hóa doanh nghiệp.
2.2. Thành viên tham gia và phạm vi hoạt động:
– Thành viên của Hội đồng doanh nghiệp 4.0 Việt Nam là chủ nhân những doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể đa ngành nghề, những cá nhân hoặc nhóm các nhà khoa học công nghệ, các nhà sáng chế phát minh, nhà đầu tư v.v trên phạm vi cả nước và toàn cầu có năng lực ứng dụng CN 4.0 vào hoạt động, số lượng thời kỳ đầu có thể khoảng từ 50-60 doanh nghiệp, sau tăng lên không dưới hàng trăm thậm chí có thể là hàng nghìn doanh nghiệp theo qui định.
– Ngoài hội viên chính thức, Hội đồng doanh nghiệp 4.0 VN sẽ kết nạp một số hội viên danh dự là những chuyên gia, các diễn giả có uy tín, vị trí và tiếng nói và những người nổi tiếng có uy tín trong nước và quốc tế thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
– Phạm vi hoạt động: BAV 4.0 có quy mô và phạm vi hoạt động trên địa bàn toàn quốc gồm các Tỉnh, Thành phố trong phạm vi cả nước, từng bước mở rộng ra các nước Asean và nhiều nước khác trên phạm vi toàn cầu.
2.3. Bộ máy quản lý vận hành:
Bộ máy quản lý vận hành của BAV 4.0 gồm Thường trực Hội đồng BAV4.0 Việt Nam (Chủ tịch, một số phó Chủ tịch), Hội đồng cố vấn, Hội đồng BAV4.0 Việt Nam(gồm Người đứng đầu các đầu mối, lĩnh vực, các Phòng/Ban chuyên môn nghiệp vụ) là Ủy viên Hội đồng BAV4.0 Việt Nam, số lượng Ủy viên Hội đồng được xây dựng theo số lượng phù hợp với qui mô từng thời kỳ. Thành viên Ban lãnh đạo của Hội đồng BAV4.0 cũng có thể đồng thời là cán bộ của Viện Nghiên cứu Tài chính, Đầu tư và Hợp tác, Thương mại Đông Nam Á do Viện trưởng ký quyết định bổ nhiệm.
2.4 . BAV 4.0 dưới góc độ kinh tế:
Có thể coi Hội đồng doanh nghiệp 4.0 VN là mô hình xã hội hoá hoạt động kinh doanh có khả năng tạo ra một cộng đồng ngày càng đông đảo thuộc nhiều thành phần, nhiều ngành nghề, gắn bó với nhau bởi trách nhiệm và quyền lợi chính đáng, được kết nối chuỗi giá trị của các sản phẩm sáng tạo phù hợp nhu cầu thị trường thông qua sử dụng CN 4.0, nhờ đó, để góp phần tăng sức mạnh kinh tế của đất nước trong thời kỳ mới. Vì vậy, một trong những tiêu chí hàng đầu của mọi thành viên tham gia Hội doanh nghiệp 4.0 VN là phải có khát vọng cùng khả năng sáng tạo những sản phẩm mới, dịch vụ mới để tổ chức phân tích đánh giá và xác định nhóm thành viên hợp tác triển khai theo mô hình khép kín từ A đến Z gồm các khâu: Xây dựng dự án khả thi- khai thác nguồn vốn đầu tư- đảm bảo cung ứng nguyên liệu đầu vào- nghiên cứu sử dụng công nghệ phù hợp- xác định địa điểm thực hiện- tổ chức sản xuất- lưu kho bảo quản- vận chuyển Lozictic- quảng cáo tiếp thị Maketing- tìm kiếm thị trường- tiêu thụ sản phẩm v.v…nhờ đó đảm bảo hoạt động kinh doanh luôn đồng bộ, chủ động, ổn định, giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho hàng hoá Việt Nam đưa ra thị trường phạm vi trong nước, khu vực và quốc tế.
2.5. BAV 4.0 dưới góc độ KHCN:
Có thể coi BAV4.0 là Hội đồng doanh nhân doanh nghiệp trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam khi tham gia sử dụng và ứng dụng nền tảng mạng xã hội và các công cụ và sản phẩm công nghệ trong số hóa doanh nghiệp và chuyển đổi số. BAV 4.0 Việt Nam kết nối mọi thành viên tham gia và duy trì hoạt động nói chung chủ yếu dựa vào phương thức trực tuyến- online- làm việc từ xa trên nền tảng mạng xã hội. Do đó, ngay từ đầu, rất cần thiết kế một phần mềm đặc biệt (công cụ) dành riêng cho Hội, đảm bảo vừa tiện dụng vừa bảo mật mọi thông tin nội bộ (không dùng phần mềm phòng họp Zoom hiện nay rất dễ bị hacker tấn công).
3. Giá trị cốt lõi
– BAV 4.0 Việt Nam tạo ra một môi trường thuận lợi kết nối cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tập thể đa ngành nghề, đa lĩnh vực trong nước và nước ngoài (ưu tiên các nước Asean) nhằm đẩy mạnh hợp tác, phát triển kinh doanh bền vững, dựa trên nền tảng CMCN 4.0, đảm bảo hiệu quả thực tế, lợi ích hài hoà cho từng cá nhân thành viên tham gia cũng như toàn thể thành viên trong Hội đồng doanh nghiệp 4.0 Việt Nam và Nhà nước nói chung.
– Coi hiệu quả tổng hợp trong mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội-môi trường là tiêu chí quan trọng nhất tạo nên giá trị cốt lõi của BAV 4.0.
4. Nguyên tắc hoạt động:
– BAV 4.0 Việt Nam được tổ chức và hoạt động trên cơ sở tự nguyện, đoàn kết, đồng thuận, đảm bảo nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi luôn gắn kết chặt chẽ thông qua Hợp đồng kinh tế theo qui định và được các cơ quan luật pháp xác nhận;
– Mọi hoạt động của BAV 4.0 Việt Nam, kể cả hợp đồng kinh tế theo dự án cụ thể, chủ yếu phải thông qua phương thức trực tuyến được bảo mật và có giá trị pháp lý như phương thức trực tiếp truyền thống từ trước đến nay;
– Tự chịu trách nhiệm, tự trang trải về kinh phí và các điều kiện vật chất khác để duy trì hoạt động;
– Nghiêm túc tuân thủ pháp luật hiện hành, chỉ làm những gì luật pháp không cấm.
IV. Nội dung, chương trình hoạt động:
1.Thường xuyên tổ chức đào tạo, học tập online cho các doanh nghiệp – thành viên tham gia Hội đồng doanh nghiệp 4.0 Việt Nam nhằm nâng cao trình độ mọi mặt, trong đó có kỹ năng sáng tạo để phát triển doanh nghiệp, kỹ năng quản trị, quản lý, điều hành doanh nghiệp, bồi dưỡng kiến thức ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động kinh doanh, tìm kiếm đối tác, xúc tiến thương mại, gọi vốn đầu tư, đào tạo nhân lực, tiêu thụ sản phẩm, bảo quản lưu kho logistic v.v…Trong đó đặc biệt coi trọng phát triển thương mại điện tử ra thị trường trong nước và quốc tế.
2. Duy trì đều đặn việc phản ánh kịp thời thông qua các tọa đàm, hội nghị, hội thảo báo cáo về diễn biến tình hình hoạt động Hội, từng thành viên trao đổi ý kiến, tháo gỡ khó khăn giữa các thành viên và với Ban lãnh đạo bằng phương thức online.
3. Thường xuyên chủ động kết nối online để tạo môi trường hợp tác cùng sáng tạo sản phẩm mới, dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước đồng thời xây dựng các dự án khả thi để triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, các thành viên căn cứ vào thế mạnh của mình để tự nguyện ký hợp đồng tham gia vào một hoặc một số công đoạn cụ thể trong chuỗi giá trị sản phẩm. Đặc biệt ưu tiên những sản phẩm công nghệ cao chế biến nông sản Việt được các nước ưa chuộng.
4. Tổ chức ký kết và thực hiện nghiêm túc các hợp đồng kinh tế online thông qua Ban lãnh đạo Hội đồng, có sự xác nhận của cơ quan pháp luật Nhà nước bằng hình thức dịch vụ công trực tuyến.
5. Tổ chức các sự kiện liên quan đến Hội đồng như đại hội thành lập, lễ tổng kết, lễ kết nạp hội viên mới v.v…online hoặc offline căn cứ vào tình hình cụ thể.
6. Thường xuyên tổ chức gặp gỡ giao lưu văn hóa, vui chơi giải trí online hoặc offline, quan tâm chăm sóc mọi thành viên cả vật chất lẫn tinh thần.
7. Ban lãnh đạo Hội đồng trực tiếp thành lập và duy trì Quĩ hỗ trợ sáng tạo khởi nghiệp thông qua Ban phát triển “Quỹ tài chính đầu tư” hỗ trợ doanh nghiệp 4.0 Việt Nam trực thuộc Hội đồng (có đề án chi tiết riêng):
– Quĩ hỗ trợ sáng tạo khởi nghiệp của Hội đồng là nguồn vốn tiền mặt và hiện vật do các thành viên tự nguyện đóng góp hoặc do các Quỹ đầu tư, hỗ trợ từ các cá nhân, tổ chức kinh tế, tổ chức nhân đạo, thiện nguyện trong ngoài nước tài trợ dành riêng để đầu tư nghiên cứu và triển khai sản xuất các sản phẩm mới, dịch vụ mới được các thành viên sáng tạo và nhóm tham gia chấp nhận đầu tư tại hợp đồng kinh tế giữa các bên liên quan. Trong thời gian chưa sử dụng đầu tư vào dự án, quĩ được gửi tại ngân hàng và các thành viên được hưởng lãi suất hàng tháng theo qui định chung hiện hành. Cơ chế này đảm bảo độ an toàn cao cho mọi đối tượng tham gia góp vốn lập quĩ.
– Viện Nghiên cứu Tài chính, Đầu tư và Hợp tác, Thương mại Đông Nam Á là đơn vị góp 50 % giá trị quĩ và là cơ quan điều phối, giám sát sử dụng quĩ.
– Sử dụng một phần quĩ và lợi nhuận thu được cùng với sự ủng hộ của các nhà hảo tâm để thực hiện các hoạt động từ thiện trực tiếp, đa dạng, hiệu quả dành cho các đối tượng thiếu may mắn trong xã hội. Trong đó, ưu tiên các hoạt động hỗ trợ thoát nghèo bền vững như tạo việc làm phù hợp, tạo thu nhập thường xuyên, nâng cao dân trí, kiến thức v.v.
– Đảm bảo nguồn tài chính hoạt động ngay từ khi mới thành lập.
V. Trình tự các bước tiến hành
Bước 1: Hoàn thành các công việc chuẩn bị thành lập BAV 4.0 Việt Nam.
1. Công tác nhân sự:
– Lập danh sách các thành viên sáng lập;
– Các thành viên sáng lập họp bàn về việc tổ chức “Ban vận động thành lập Hội đồng doanh nghiệp 4.0 Việt Nam”;
– Phương tiện và phương pháp làm việc: Kết hợp online và offline.
2. Ban vận động đóng góp ý kiến xây dựng đề án thành lập Hội đồng hoàn chỉnh, trong đó có đề cử danh sách Ban lãnh đạo lâm thời, điều lệ, qui chế, chương trình hoạt động của BAV 4.0 trong năm 2020 và những năm tiếp theo.
3. Thông báo, quảng bá về việc thành lập Hội đồng trên các trang web của Viện Nghiên cứu Tài chính, Đầu tư và Hợp tác, Thương mại Đông Nam Á, của các thành viên Ban vận động và các phương tiện truyền thông đại chúng khác.
4. Tiến hành các thủ tục xin cấp phép thành lập Hội đồng.
5. Sau khi có quyết định thành lập Hội đồng của cấp có thẩm quyền, bắt đầu thông báo mời đăng ký tham gia thành viên Hội đồng doanh nghiệp 4.0 VN.
Bước 2: Tổ chức Đại hội ra mắt (trực tuyến và trực tiếp)
Bước 3: Triển khai các hoạt động cụ thể, ưu tiên các dự án khả thi, trong đó trọng tâm là thành lập “Quĩ hỗ trợ sáng tạo khởi nghiệp”.
VI. Dự kiến thời gian thực hiện
– Mọi công việc chuẩn bị sẽ hoàn tất trong quí II/2020 (Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19)
– Đại hội thành lập: khoảng tháng 8/2020.
– BAV 4.0 bắt đầu hoạt động thực hiện các dự án cụ thể từ 11/2020
Kết luận:
Sự ra đời một tổ chức Hội kiểu mới của các doanh nhân VN hiện đại thời 4.0 là một bước đi trước đón đầu rất đáng mừng đối với sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng, nền kinh tế nước ta nói chung. Trên cơ sở phân tích biện chứng khoa học trên đây, căn cứ chức năng nhiệm vụ của Viện đã được Trung ương Hội Khoa học Đông Nam Á điều chỉnh và bổ sung, theo đó Viện Nghiên cứu Tài chính, Đầu tư và Hợp tác, Thương mại Đông Nam Á sẽ ra Quyết định thành lập tổ chức Hội đồng Doanh nghiệp 4.0 Việt Nam trực thuộc Viện. Cơ cấu tổ chức nhân sự, Điều lệ, quy chế tổ chức hoạt động, định hướng chiến lược phát triển cũng như chọn lựa các Nhân sự đủ điều kiện tiêu chuẩn tham gia bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo trong Hội đồng doanh nghiệp 4.0 Việt Nam sẽ sớm được triển khai. Trước mắt công việc chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn nhưng những ai tâm huyết với ý tưởng sáng tạo này xin hãy tập hợp lại, kết nối online chặt chẽ để chung tay góp sức nhằm hiện thực hoá một giấc mơ tuyệt vời vì một Việt Nam cường thịnh, Văn minh và Giàu mạnh.
Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các quí vị!
Hà Nội, tháng 4/2020.