ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM TỪ MỘT LỜI KHUYÊN CỦA V.I. LÊNIN

Nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh V.I. Lênin (22.4.1870 – 22.4.2020) Viện Nghiên cứu Tài chính, Đầu tư và Hợp tác, Thương mại Đông Nam Á trân trọng giới thiệu bài viết “Đôi điều suy ngẫm từ một lời khuyên của V.I.Lênin” của tác giả Trịnh Huy Châu (chuyên viên kinh tế cấp cao – Viện SEAFIT) và sự vận dụng sáng tạo của Việt Nam vào thực tiễn xây dựng phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ đổi mới. 

Đã từ lâu, hầu hết chúng ta đều thuộc lòng một lời khuyên nhủ ngắn gọn nhưng rất quý giá của V.I. Lênin có phiên âm tiếng Nga “Utritxia, utritxia i utritxia”, nghĩa là “Học, học và học”. Khi chuyển ngữ sang tiếng Việt, dịch giả đã làm cho câu nói trên trở nên rât sống động và phù hợp với tư duy của người Việt “Học, học nữa, học mãi”. Hiện nay, khẩu hiệu đó được viết lên, tại các vị trí trang trọng nhất của hầu hết các trường học ở nước ta. Đó là việc làm rât cần thiết nhằm nhắc nhở học sinh phải luôn luôn cố gắng học hành chăm ngoan để lớn lên thành người có ích cho Tổ quốc.

Tượng đài bằng đồng được chính quyền tỉnh Ulyanovsk (tỉnh kết nghĩa với Nghệ An) tặng tỉnh Nghệ An ẢNH K.HOAN

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau,cho đến nay không ít người trong chúng ta dường như vẫn nghĩ rằng đây là lời nhắc nhở dành riêng cho thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên khi đang ngồi trên ghế nhà trường học văn hoá, thậm chí nhiều người tâm niệm rằng phải  học để có bằng cấp sau này dễ tìm việc làm, học để có học hàm học vị danh giá, tạo cơ hội thăng quan tiến chức v,v,… Sự ngộ nhận đó không thể không gây nên những hệ luỵ trong nhận thức cũng như hành động của bản thân lớp người trẻ tuổi và toàn xã hội nói chung.

Vậy để hiếu đúng nội dung câu nói của Lênin, không thể không tìm hiểu hoàn cảnh lịch sử cụ thể thời kỳ sau Cách mạng tháng Mười. Vào những năm 1922-1923, sau khi cuộc nội chiến kết thúc, Nhà nước Liên bang Xô Viết ra đời, chính sách “Cộng sản thời chiến” chấm dứt, Lênin và Ban chấp hành Trung ương Đảng Bonsevic quyết định chuyển đổi sang  “Chính sách kinh tế mới” (NEP) theo hướng kinh tế thị trường phục vụ sự nghiệp xây dựng xã hội “Xã hội chủ nghĩa”. Bộ máy lãnh đạo quản lý đất nước khi đó còn rất non trẻ, hầu hết xuất thân từ giai cấp vô sản, chưa từng qua trường lớp đào tạo về kinh tế, khoa học kĩ thuật, thậm chí có người còn mù chữ, v.v khiến xã hội xuất hiện tình trạng quan liêu thậm chí tham nhũng khi quyền lực tập trung vào tay một số người ít hiểu biết lại tham lam, mắc căn bệnh mà Lênin gọi là “Kiêu ngạo cộng sản”. Năm 1923, Ông đã nhận xét về tệ quan liêu: “Tình hình bộ máy Nhà nước của chúng ta thật đáng buồn… Xin nói thêm trong ngoặc rằng bọn quan liêu ấy ở nước ta không những có trong các cơ quan Xô viết, mà còn có cả trong những cơ quan của Đảng nữa”. Từ nhận xét đó, Lênin yêu cầu phải nâng cao chất lượng hoạt động của Bộ dân ủy thanh tra công nhân, phải xây dựng bộ máy Nhà nước kiểu mới theo nguyên tắc “Thà ít mà tốt”. Ngay sau đó, ông đưa ra lời kêu gọi toàn dân, trước hết là cán bộ đảng viên phải “Học, học và học” để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn lịch sử mới. Học tập khi đó là một nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi công dân Xô viết. Chính vì vậy, sau khi Lênin qua đời, chỉ trong một thời gian ngắn khoảng từ 15 đến 20 năm, Liên Xô  từ một nước nghèo nàn lạc hậu so với Phương Tây đã vươn lên thành Quốc gia hùng mạnh về kinh tế và quân sự, đủ sức đánh bại phát xít Đức trong cuộc chiến tranh vệ quốc thần thánh, giải phóng nhiều nước Đông Âu, lập ra một hệ thống chế độ xã hội hoàn toàn mới (1941-1945). Đạt được những thành quả vĩ đại đó là do toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân Liên Xô đã học tập không ngừng để sáng tạo ra mô hình phát triển mới của đất nước, rất tiến bộ so với đương thời. Thực tế lịch sử loài người chứng minh sự thật: Mọi mô hình xã hội đều không có sẵn, đều do nhân dân sáng tạo ra. Đặc biệt là những thể chế chính trị – xã hội mang tính cách mạng, chưa từng có tiền lệ lại càng phải sáng tạo hơn bao giờ hết, và muốn sáng tạo phải học tập như lời khuyên của Lênin – không có con đường nào khác. Từ đó, có thể hiểu rõ hơn về một khái niệm tưởng như đã rât cũ: “Học tập”.     

Vậy học là gì? Đã có rất nhiều định nghĩa khác nhau về khái niệm “Học tập”. Thực tế cho thấy, “Học hay học tập” là một khái niệm có nội hàm rất rộng, bao quát toàn bộ mọi đối tượng, mọi lĩnh vực cuộc sống, kéo dài suôt đời dưới mọi hình thức, nhằm  tìm kiếm, tiếp nhận, tích luỹ kiến thức lý thuyết và kinh nghiệm thực tế, nhờ đó kích hoạt tiềm năng phát triển tư duy và hành động sáng tạo của con người, phù hợp với nhu cầu cuộc sống.

Ngày nay, lời khuyên “Học, học nữa, học mãi” của lãnh tụ Lênin vẫn còn nguyên giá trị đối với mọi cán bộ đảng viên và các tâng lớp nhân dân, trong đó có thế hệ trẻ Việt Nam chúng ta. Chính nhờ có tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm, sự thống nhất toàn dân và khả năng sáng tạo mà chúng ta đã chiến thắng trong mọi trận chiến chống giặc ngoại xâm cũng như chống các loại dịch bệnh, kể cả đại dịch Covid 19 “cực kỳ hung dữ!”. Giữa lúc đại dịch hoảnh hành, đã ra đời những sản phẩm sáng tạo khiến thế giới kinh ngạc như: bộ KIT phát hiện nhanh, máy ATM gạo, chiêc bánh mỳ thanh long, những chiếc máy thở hiện đại, các phương pháp cách ly và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả v.v

Với ý thức học hỏi và tiềm năng sáng tạo vô tận của nhân dân ta, hoàn toàn có cơ sở để tin rằng, sau năm 2030, đất nước ta sẽ trở thành một quốc gia có thể “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” như lời tiên liệu của Bác Hồ.

Để hoàn thành mục tiêu cao đẹp đó, phải chăng có thể bổ sung để câu khẩu hiệu hoàn chỉnh hơn:

“Học, học nữa, học mãi

Sáng tạo, sáng tạo nữa, sáng tạo mãi”

                                          Hết

22/04/2020

(viết nhân kỷ niệm ngày sinh V. Lênin)

Trả lời