Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục thảo luận, bước đầu góp ý về mô hình, cách thức tổ chức, các yếu tố đảm bảo chất lượng cho một hệ sinh thái giáo dục trực tuyến để phát huy tối đa hiệu quả của hệ sinh thái này.
Tham dự trực tiếp có lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng, Hội Khuyến học Việt Nam, các nhà khoa học, nhà quản lý và chuyên gia về đào tạo trực tuyến. Đại diện UNESCO, UNICEF, các trường ĐH Mở Terbuka Indonesia, ĐH Mở Philipines tham dự trực tuyến.
Cần một hệ sinh thái giáo dục trực tuyến
Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho rằng, Hội thảo đã lựa chọn chủ đề rất quan trọng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bởi tác động to lớn đến giáo dục Việt Nam cũng như tất cả các nước trên thế giới.
“Tôi tin rằng, cho dù sau này đại dịch qua đi, nhưng tác động của đại dịch, đặc biệt đối với vấn đề chuyển đổi số trong giáo dục, sẽ còn rất lâu dài”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo
Thứ trưởng cho biết, Trường ĐH Mở Hà Nội và Trường ĐH Mở TP HCM là hai đơn vị tiên phong thực hiện đào tạo trực tuyến từ lâu, và đại dịch đã làm sâu sắc hơn vai trò của phương thức đào tạo này. Hai trường ĐH Mở đã nghiên cứu, tiếp thu, chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, từ đó, đầu tư, phát triển thành công hệ thống đào tạo trực tuyến hoàn chỉnh.
Trong đại dịch, Bộ GDĐT chủ trương “tạm dừng đến trường, không dừng học”, nhanh chóng tìm biện pháp thay thế, trong đó, kịp thời có chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học triển khai đào tạo trực tuyến; đồng thời, lần đầu tiên, có hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện đào tạo bằng phương thức này.
Điểm lại quá trình phát triển của giáo dục trực tuyến và học liệu mở trên thế giới, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, phương thức này đã và đang đem đến tri thức tới quảng đại quần chúng với chi phí thấp, hiệu quả cao.
Đặc biệt, với sức mạnh công nghệ hiện nay, việc học được cá nhân hoá bằng phần mềm thông minh và trí tuệ nhân tạo. Theo đó, một trong những ưu điểm của phương thức này so với giáo dục truyền thống là chương trình học sẽ được thiết kế cho từng cá nhân dựa trên đánh giá ưu, nhược điểm của từng người học.
Theo Thứ trưởng, đây là xu hướng của tương lai, thế giới thúc đẩy nhanh chóng. Việt Nam đang trong giai đoạn bắt đầu, diễn ra ở nhiều cấp độ khác nhau, bao gồm hỗ trợ dạy học trực tiếp (chủ yếu); thay thế một phần quá trình dạy học trực tiếp; thay thế hoàn toàn quá trình dạy học trực tiếp. Theo đó, cấp độ cao nhất là khi các hoạt động của tiến trình dạy học được tổ chức thực hiện hoàn toàn thông qua môi trường internet, với một hệ thống đào tạo trực tuyến hoàn chỉnh.
Hiện một số trường đã nhận thấy tầm quan trọng và có đầu tư bài bản hơn. “Tuy vậy, một quan ngại khi giáo dục trực tuyến là chất lượng, do đào tạo dành cho số đông, với chi phí thấp mà vẫn phải đảm bảo hiệu quả. Cho nên, phải chú trọng chất lượng. Muốn chất lượng, chúng ta phải có một hệ sinh thái đầy đủ”, Thứ trưởng khẳng định.
Thứ trưởng nhấn mạnh, giáo dục trực tuyến phải đảm bảo tối thiểu 4 điều kiện cơ bản, đó là công nghệ (phần cứng, phần mềm), học liệu, đội ngũ cán bộ – giảng viên và người học.
Theo đó, điều kiện công nghệ đã được hướng dẫn trong Thông tư 10/2017/TT-BGDĐT ban hành quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học và Thông tư 12/2016/TT-BGDĐT quy định ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng.
Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học, nhà quản lý và chuyên gia về đào tạo trực tuyến
Thứ trưởng đánh giá, xây dựng hệ thống học liệu là yêu cầu khó, cần nhiều thời gian, đòi hỏi phải xuất phát từ triết lý sư phạm của nhà trường và thực hiện bài bản. Đội ngũ giảng viên cần được tập huấn bài bản theo đúng phương pháp sư phạm của giáo dục trực tuyến; đồng thời, đổi mới toàn bộ hệ thống quản trị và tập huấn để đội ngũ quản lý của nhà trường tương thích với hệ thống này.
Thứ trưởng cũng đánh giá cao khả năng tiếp cận, kỹ năng số của học sinh, sinh viên Việt Nam qua quá trình dạy học trong đại dịch Covid-19. Hiện Bộ GDĐT đang đẩy mạnh kỹ năng số và kỹ năng giảng dạy trực tuyến cho giáo viên.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề nghị các cơ sở giáo dục đại học cần phải coi đào tạo trực tuyến là vấn đề chiến lược, mang lại lợi ích lâu dài, cần đầu tư bài bản, thấu đáo. Đồng thời, đề nghị các đại biểu tham dự hội thảo cùng chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp tốt.
Vừa qua, Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư 38/2020/TT-BGDĐT quy định về liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo hình thức trực tuyến và hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến; Thông tư 39/2020/TT-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo từ xa trình độ đại học.
Bộ GDĐT đang từng bước hoàn thiện khung pháp lý, theo đó, các dự thảo quy chế đào tạo các trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ đều đang dự kiến cho phép đào tạo trực tuyến tối đa 30%; đồng thời, hiện đang soạn thảo thông tư về đào tạo trực tuyến cho bậc phổ thông.
“Bộ GDĐT mong muốn các đại biểu trong nước và quốc tế, các cơ sở giáo dục đóng góp ý kiến và trao đổi kinh nghiệm quốc tế để kịp thời ban hành khung pháp lý, điều chỉnh, bổ sung quy định hiện thời, đưa đào tạo trực tuyến, kết hợp với giáo dục truyền thống trở thành thế mạnh trong chuyển đổi số”, Thứ trưởng khẳng định.
Những bước ban đầu
Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, TS Trương Tiến Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội nhấn mạnh, đại dịch, thiên tai và sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động đáng kể tới giáo dục.
Giảng dạy truyền thống tập trung đã được thay thế cho phân tán với ứng dụng CNTT một cách triệt để. Người học từ tiếp cận thuyết giảng giáp mặt sang cung cấp các nội dung số cho người học và hướng dẫn họ tìm kiếm tài nguyên số phục vụ cho học tập.
TS Trương Tiến Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội phát biểu đề dẫn
TS Tùng đánh giá, ở Việt Nam, giáo dục trực tuyến đã có từ nhiều năm, với sự gia tăng về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, thực hiện dạy học trực tuyến nói chung, dạy học trực tuyến trong bối cảnh dịch Covid-19 nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn bất cập, hiểu biết chưa thực đầy đủ về hai từ “trực tuyến”.
Giáo dục trực tuyến đang chịu ảnh hưởng của những tác nhân như yêu cầu mới của xã hội tri thức, kỳ vọng của người học, vấn đề về công nghệ mới, sự thay đổi nhanh chóng của thế giới việc làm.
Khi người dạy đang nỗ lực làm quen và tận dụng thế mạnh của công nghệ số thì những xu thế sư phạm mới hình thành, tác động đến cách cấu trúc và thực hiện dạy học, như dạy học kết hợp (blended learning), tiếp cận hợp tác trong xây dựng các cộng đồng học tập, sử dụng các phương tiện mới và học liệu mở; học tập bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào và bất kỳ quy mô kiến thức nào; học tập tự định hướng và học tập phi chính quy trực tuyến.
Hội thảo đã được lắng nghe kinh nghiệm “Cung cấp khả năng truy cập thông qua các dịch vụ học tập trực tuyến: các vấn đề và triển vọng ở Indonesia” do GS. TS Ojat Darojat, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Terbuka, Indonesia báo cáo. TS Melinda dela Pena Bandalaria, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Phillipines cũng có những trao đổi về hệ sinh thái giáo dục trực tuyến trong giai đoạn dịch Covid-19.
Ngoài ra, Hội thảo tổ chức hai phiên thảo luận song song, bao gồm “Giáo dục trực tuyến đối với giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp” và “Giáo dục trực tuyến đối với giáo dục phổ thông”. Hai phiên thảo luận này tập trung trao đổi, làm rõ về hệ thống quản lý học tập trực tuyến ở các bậc đào tạo, tìm hiểu mô hình giáo dục trực tuyến của Mĩ và đề xuất cho Việt Nam, yêu cầu đảm bảo chất lượng,…
“Các báo cáo, tham luận ngày hôm nay chỉ là những “ảnh chụp” ban đầu về sự phát triển của giáo dục trực tuyến tại Việt Nam. Trong thời gian tới, hy vọng chúng ta sẽ có thêm nhiều nghiên cứu mới về giáo dục trực tuyến và những bài học thành công trong triển khai”, TS Trương Tiến Tùng nhận định.