GỠ VƯỚNG MẮC CHO CÁC DỰ ÁN GIAO THÔNG CHẬM TIẾN ĐỘ

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 27/NQ-CP cho phépTP. Hồ Chí Minh (TP.HCM) được áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn.
Tuyến đường sắt đô thị số 2 (Metro, Bến Thành – Tham Lương).

Cơ chế mới được kỳ vọng sẽ gỡ vướng mắc, từ đó tạo bước đột phá đẩy nhanh một số dự án hạ tầng giao thông đang chậm tiến độ tại thành phố mang tên Bác.

Tuyến đường sắt đô thị số 2 (Metro, Bến Thành – Tham Lương) được phê duyệt năm 2010, dự kiến đưa vào vận hành chạy thử và khai thác vào năm 2018. Nhưng đến nay, chỉ một trong 8 gói thầu của dự án được hoàn thành là gói thầu CP1 – xây dựng tòa nhà văn phòng và các công trình phụ trợ tại Ga kỹ thuật (Depot) Tham Lương (quận 12), 7 gói thầu còn lại vẫn chưa ký hợp đồng. Nguyên nhân do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đang tạm dừng do cơ sở pháp lý thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng thay đổi, dẫn tới thay đổi chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư.

Hiện, dự án xây dựng tuyến Metro số 2 vẫn còn vướng mặt bằng hơn 500 hộ dân và 28 đơn vị chưa di dời hạ tầng kỹ thuật. Chính quyền thành phố đã yêu cầu đến tháng 6-2020, tất cả quận, huyện, các đơn vị liên quan phải giải quyết việc đền bù một cách cơ bản để dự án được khởi công theo đúng tiến độ vào tháng 10-2020.

Tương tự, tại tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), mặc dù đến nay, toàn tuyến đã đạt được khoảng 72% tổng khối lượng công việc nhưng đã “lỡ hẹn” về tiến độ: Ban đầu, thành phố dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào vận hành vào năm 2020. Tuy nhiên, đến nay, theo kế hoạch cũng phải đến cuối năm 2021 mới hoàn thành. Nguyên nhân cũng vì khâu giải phóng mặt bằng kéo dài.

Dự án đường Vành đai 2 (có 4 đoạn), hiện 3 đoạn đang trong quá trình hoàn thiện pháp lý để trình HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư. Riêng đoạn số 3, từ đường Phạm Văn Đồng đến cầu Gò Dưa (quận Thủ Đức) được khởi công vào tháng 12/2017. Qua 3 năm, diện tích bàn giao mặt bằng để thi công mới đạt khoảng 54%.

Hay như dự án chống ngập trị giá 10.000 tỷ đồng, rất cấp thiết trong bối cảnh ngập lụt đô thị ngày càng nghiêm trọng nhưng đến nay, vẫn chưa thể xong khâu đền bù giải phóng mặt bằng, công trình không thể tiếp tục thi công. Ngoài ra, nhiều dự án trọng điểm khác như: Mở rộng quốc lộ 13, 1A, 22… đã được quy hoạch nhiều năm, nhưng nguyên nhân chậm trễ vẫn là khâu giải phóng mặt bằng.

Để tháo gỡ cho TP.HCM, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 27/NQ-CP cho phép chính quyền thành phố áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn. Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, Sở đang chuẩn bị dự thảo kế hoạch thực hiện Nghị quyết.

Theo đó, hiện Sở đang lấy ý kiến các sở, ngành, quận, huyện, sau đó tổng hợp, điều chỉnh và trình UBND TP.HCM xem xét. “Với cơ chế, quy trình đặc thù sẽ rút ngắn được rất nhiều thời gian và chỉ còn một công đoạn phê duyệt giá đất cụ thể để tính bồi thường, hỗ trợ. Nếu thực hiện tốt, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có thu hồi đất trên địa bàn TP.HCM sẽ rút ngắn, việc triển khai dự án nhanh hơn, bảo đảm triển khai đúng tiến độ, giảm phát sinh kinh phí do chậm tiến độ”, ông Thắng cho biết.

Còn theo ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải TP.HCM, với chính sách mới gỡ khó về giải phóng mặt bằng, Sở sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án vành đai, tuyến cửa ngõ và các tuyến kết nối vùng như: Khép kín Vành đai 2, cao tốc Bến Lức – Long Thành, mở rộng các tuyến quốc lộ… Năm 2020, ngành Giao thông TP.HCM phấn đấu hoàn thành ít nhất 14 dự án; đưa vào sử dụng 81km đường bộ và 18 cây cầu, nâng tỷ lệ mật độ đường giao thông đạt 2,2km/km2.

Dẫn theo nguồn: http://tapchitaichinh.vn/co-che-chinh-sach/go-vuong-cho-cac-du-an-giao-thong-cham-tien-do-321352.html

Trả lời