Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa công bố Kết luận số 1468/KL-TTCP/2018 của đơn vị này về một số dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay; việc chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, nhà đất có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP Hà Nội.
Đáng chú ý, trong đó có hàng loạt sai phạm liên quan tới dự án Hợp phần 1 – Xe buýt nhanh BRT, thuộc Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội.
Lãng phí ngân sách nhà nước trên 15 tỷ đồng
Theo Kết luận Thanh tra, tại các gói thầu xây dựng đường trạm xe buýt từ Bộ Y tế đến Khuất Duy Tiến và từ Khuất Duy Tiến đến bến xe Yên Nghĩa, trong hợp phần I – xe buýt nhanh BRT – thuộc dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, khi lập bước thiết kế đường, đã thay thế mặt đường bê tông nhựa bằng mặt đường bê tông xi măng.
Trong khi đó, hồ sơ báo cáo khảo sát mặt đường dự án do Công ty cổ phần tư vấn Việt Delta lập cho thấy cường độ mặt đường tốt. “Việc này đã gây lãng phí ngân sách nhà nước hơn 15 tỷ đồng”, cơ quan thanh tra kết luận.
Tại Hợp phần I- Xe buýt nhanh BRT, gói thầu 04/BRT-TB (BRT CP08) – Đoàn xe BRT, chủ đầu tư thực hiện một số thủ tục chưa tuân thủ theo mẫu hồ sơ mời thầu và hướng dẫn của Ngân hàng Thế giới như: Không lập dự toán Nhóm A và B theo nhóm xe sản xuất, lắp ráp trong nước; lấy báo giá xe nhập khẩu nguyên chiếc để làm căn cứ mời thầu cho cả 3 nhóm A, B và C (nhóm xe nhập khẩu). Vì vậy, Thanh tra Chính phủ cho rằng không có căn cứ để so sánh các nhóm với nhau trong việc lựa chọn nhà thầu.
Phần bổ sung các thiết bị vào gói thầu CP08 có tổng giá trị trên 17,6 tỷ đồng nhưng chủ đầu tư không tổ chức đấu thầu mà ký hợp đồng bổ sung với nhà thầu là vi phạm Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng về điều kiện được chỉ định thầu.
Về hiệu quả dự án, cơ quan thanh tra nêu: “Việc đầu tư chưa đồng bộ, chưa tạo ra các lợi ích nhằm khuyến khích người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang vận tải công cộng”. Theo đó, các nhà chờ, cầu vượt cho người đi bộ trên tuyến BRT chưa thuận tiện. Xe buýt BRT được bố trí làn đường riêng chiếm 1/3 các trục đường hiện có nhưng tốc độ chưa đạt yêu cầu, trong khi hiện trạng lưu lượng giao thông trên tuyến rất lớn, nên thường xuyên gây ùn tắc trong giờ cao điểm.
“Như vậy, mặc dù được đầu tư với số tiền rất lớn nhưng dự án chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, chưa đạt được mục tiêu đề ra là hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông và từng bước nâng cao chất lượng môi trường của TP”, kết luận nêu.
Kiến nghị thu hồi 42,4 tỷ đồng tiền sai phạm
Đáng chú ý, tại Hợp phần I- Xe buýt nhanh BRT thuộc Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội, TTCP đã phát hiện tổng số tiền sai phạm trên 43,5 tỷ đồng.
Trong đó, số tiền 42,4 tỷ đồng do Công ty cổ phần Thiên Thành An xuất bán cho chủ đầu tư đối với 35 xe buýt BRT, giá trị chênh lệch tăng nhưng không chứng minh được khối lượng công việc thực hiện.
Số tiền 206,8 triệu đồng đối với đơn giá dịch vụ kiểm tra xe do chủ đầu tư thanh toán cho nhà thầu vượt so với hợp đồng đã ký, không đúng quy định.
Gói thầu 01d/BRT-XL có số tiền sai gần 626 triệu đồng, bao gồm áp đơn giá vật liệu sai thời điểm, thiếu sót trong lập, thẩm tra và phê duyệt dự toán điều chỉnh trạm biến áp; không thực hiện bu lông, kích dầu…
Việc các bên liên danh nhà thầu thực hiện không đúng khối lượng được phân chia theo hợp đồng đã ký giữa chủ đầu tư và liên nhà thầu dẫn đến Công ty cổ phần Thiên Thành An hưởng lợi số tiền trên 42,4 tỷ đồng nhưng không chứng minh được khối lượng công việc thực hiện.
Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị giao UBND TP Hà Nội xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và thống nhất với nhà tài trợ để thu hồi số tiền theo kết luận thanh tra.
“Nếu liên danh Công ty cổ phần Thiên Thành An không thực hiện thì UBND TP Hà Nội chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật”- Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.
Được biết, Tuyến buýt nhanh BRT01 Kim Mã – bến xe Yên Nghĩa chính thức đi vào vận hành từ ngày 1/1/2017. Đây là loại hình buýt lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, là một trong ba hợp phần của dự án Đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội được phê duyệt từ năm 2007, với tổng vốn đầu tư cả ngàn tỷ đồng, nhằm kỳ vọng sẽ giải bài toán ùn tắc giao thông.