HỢP TÁC QUỐC TẾ TRONG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI VIỆT NAM

ThS. Nguyễn Quyết Tiến

Viện Khoa học Giáo dục nghề nghiệp

 

Tóm tắt

Chất lượng nguồn nhân lực  đang là vấn đề, là “rào cản” trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; thực tế cấp thiết đang đòi hỏi là phải đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN; người học ra trường phải đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, có việc làm và thu nhập tốt hơn. Một  trong các giải pháp góp phần rút ngắn sự chênh lệch về chất lượng giữa Việt nam và các nước là là tăng cường và đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế (HTQT) trong lĩnh vực GDNN. Bài viết phân tích thực trạng hợp tác quốc tế lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp thời gian qua và đưa ra các giải pháp tăng cường hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới.

Hiện nay lao động nước ta có tỷ lệ qua đào tạo rất thấp so với nhiều nước trong khu vực, tình trạng này không chỉ làm cho năng suất lao động thấp mà ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê1, quý 4/2016,  LLLĐ từ 15 tuổi trở lên qua đào tạo có bằng/chứng chỉ từ 3 tháng trở lên là 11,67 triệu người, chiếm 21,39% LLLĐ. Về cơ cấu theo các cấp trình độ, có 5,08 triệu người có trình độ đại học trở lên (chiếm 43,5%), có 1,76 triệu người có trình độ cao đẳng (chiếm 15,1%), trình độ trung cấp là 2,85 triệu người (chiếm 24,4%), và SCN là 1,98 triệu người (chiếm 17,0%)

Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị Trung ương 8 khóa XI đã xem hội nhập quốc tế là một trong 09 nhiệm vụ, giải pháp để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và tiến bộ của khoa học – công nghệ. Mặt khác, việc Việt Nam ký kết và gia nhập các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương thế hệ mới, đã đặt ra cho nước ta nhiều  thách thức trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động. Dự báo đến năm 2025, lao động Việt Nam sẽ có sự dịch chuyển nhanh từ ngành nông nghiệp sang ngành công nghiệp và dịch vụ, trong đó chủ yếu chuyển sang ngành dịch vụ. Giai đoạn 2016 – 2020 cần đào tạo nghề nghiệp cho khoảng 12 triệu người, trong đó trình độ cao đẳng là 1,44 triệu người (chiếm khoảng 12%), trình độ trung cấp là 1,76 triệu người (chiếm khoảng 14,5%), trình độ sơ cấp là 8,8 triệu người (chiếm khoảng 73%).

Để thực hiện được nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN như trên, một  trong các giải pháp cần thực hiện đồng bộ trong thời gian tới là tăng cường và đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế (HTQT) trong lĩnh vực GDNN.

  1. Nội dung hợp tác quốc tế về Giáo dục nghề nghiệp

1.1. Hoàn thiện cơ chế, chính sách về giáo dục nghề nghiệp

          Ký kết các hiệp định công nhận văn bằng, chuyển đổi tín chỉ và kỹ năng nghề giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực ASEAN và trên thế giới.

          Nghiên cứu áp dụng tiêu chuẩn của các nước trong khu vực và thế giới vào xây dựng tiêu chuẩn đào tạo, tiêu chuẩn CSVC, tiêu chuẩn giáo viên, giảng viên, tiêu chuẩn quản lý chất lượng, Xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và được các quốc gia trong khu vực công nhận; thực hiện đánh giá kỹ năng và công nhận kỹ năng nghề giữa Việt Nam với các nước trong khu vực ASEAN.

           Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích thu hút đầu tư; mở rộng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp;

          Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước tham gia đào tạo, bồi dưỡng nhân lực đạt tiêu chuẩn quốc tế;

          Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, tạo môi trường thuận lợi để các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài tham gia đào tạo nghề.

1.2. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp

 Rà soát lại quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN, trong đó quy hoạch các trường chất lượng cao, các trường đạt tiếp cận trình độ khu vực  và quốc tế

Cần rà soát, đánh giá lại tiến độ hội nhập của 45 trường đã được định hướng tập trung đầu tư thành trường chất lượng cao và các trường được quy hoạch các nghề trọng điểm cấp độ ASEAN, quốc tế;

Rà soát các nghề cấp độ ASEAN và quốc tế đã được quy hoạch trong các trường trung cấp và cao đẳng với các tiêu chí, tiêu chuẩn đào tạo tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.

1.3. Triển khai áp dụng khung trình độ quốc gia

Triển khai áp dụng khung trình độ quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng các chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia có tham chiếu các tiêu chuẩn năng lực của các nước trong khu vực và quốc tế;  Nghiên cứu dựa vào Khung trình độ quốc gia để tiếp cận chuẩn đầu ra bao gồm kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ và trách nhiệm của người học sau khi hoàn thành khoá học của một trình độ đào tạo nhất định theo danh mục nghề đào tạo trình độ trung cấp nghề, trình độ cao đẳng nghề.

 Xây dựng Chuẩn đầu ra phù hợp để hội nhập quốc tế: Quy định khả năng của người học, kiến thức, kỹ năng, thái độ và những phẩm chất khác cần phải đạt được khi tốt nghiệp ở mỗi cấp trình độ, mỗi ngành, nghề đào tạo. Năng lực của người học được mô tả gồm: độ rộng, độ sâu của kiến thức, kỹ năng; mức độ áp dụng kiến thức, kỹ năng; mức độ tự chủ và trách nhiệm trong công việc. Cơ sở của việc xác định chuẩn đầu ra hiện nay dựa trên tiêu chuẩn năng lực của ngành, nghề (kiến thức, kỹ năng, thái độ và những phẩm chất khác cần phải đạt được khi tốt nghiệp) hay tiêu chuẩn nghề quốc gia.

 Xây dựng được chuẩn đầu ra để  các cơ sở giáo dục nghề nghiệp căn cứ  xây dựng chương trình đào tạo theo cấp trình độ tương ứng, thiết kế chương trình đào tạo của cơ sở GDNN đảm bảo đủ khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với từng trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp tương ứng với kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ và trách nhiệm của người học sau khi hoàn thành khoá học của một trình độ đào tạo nhất định (chuẩn đầu ra), sau khi được Hiệu trưởng phê duyệt sẽ tổ chức đào tạo theo quy định. Kết cấu của chương trình đào tạo này bao gồm: các MH chung; các MH, MĐ cơ sở và chuyên môn nghề được quy về bằng số tín chỉ, học phần tương ứng.  Mở rộng, tăng cường công tác hợp tác, liên kết đào tạo nghề theo chương trình của nước ngoài, của các nước tiên tiến trên thế giới được công nhận chứng chỉ, bằng cấp, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có tay nghề cao và di chuyển được lao động có tay nghề cao trong khu vực ASEAN và thế giới.

Thúc đẩy sự hình thành và phát triển của hệ thống chuyển đổi tín chỉ, thực hiện công nhận văn bằng và chuyển đổi tín chỉ giữa các nước trong khu vực ASEAN và thế giới;

1.4. Đổi mới chương trình đào tạo

 Đổi mới chương trình đào tạo tiếp cận trình độ tiên tiến của các nước phát triển trên thế giới. Trước mắt thực hiệnchuyển giao 80 bộ chương trình cấp độ khu vực ASEAN và 60 chương trình, giáo trình cấp độ quốc tế; Xây dựng 50 bộ chương trình tiếng Anh chuyên ngành cho nhóm nghề cấp độ quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế; tổ chức thí điểm và hướng dẫn đánh giá đầu ra cho học sinh, sinh viên về kỹ năng tin học và tiếng Anh.

Tiếp tục tiếp nhận chuyển giao và công nhận 22 bộ chương trình, giáo trình, học liệu, phương pháp giảng dạy, công nghệ đào tạo từ các nước phát triển trên thế giới; Tổ chức triển khai đào tạo thí điểm trình độ cao đẳng cho 12 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế; Tổ chức triển khai đào tạo thí điểm trình độ cao đẳng cho 22 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế;

Tiếp tục chuyển giao 50 bộ chương trình cấp độ quốc tế  từ nước ngoài được quốc gia chuyển giao hoặc tổ chức giáo dục, đào tạo quốc tế có uy tín kiểm định và công nhận đạt chất lượng quốc tế;

 Xây dựng 25 bộ chương trình tiếng Anh chuyên ngành cho nhóm nghề cấp độ quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế;

Xây dựng các phần mềm mô phỏng thực hành của một số chương trình giảng dạy cho các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia;

1.5. Đào tạo bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý

 Nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu hội nhập, cụ thể:

Tiếp nhận chuyển giao các bộ chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng giáo viên của nước ngoài Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài cho giáo viên hạt nhân và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhân rộng trong nước cho giáo viên dạy các nghề dự kiến nhận chuyển giao chương trình cấp độ ASIAN và cấp độ quốc tế. Xây dựng tiêu chuẩn cho giáo viên dạy nghề theo từng nghề đáp ứng lộ trình các nghề hội nhập ASIAN

Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên hướng tới theo chuẩn quốc tế; đội ngũ giáo viên giảng dạy các bộ chương trình chuyển giao phải đáp ứng tiêu chuẩn giáo viên của các nước chuyển giao chương trình và được các nước chuyển giao công nhận;

Tổ chức chuyển giao chương trình bồi dưỡng giáo viên về kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm quốc tế của 45 trường chất lượng cao.

Bồi dưỡng cán bộ quản lý tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế, hướng đến cán bộ quản lý chuyên nghiệp.

  1. Thực trạng hợp tác trong giáo dục nghề nghiệp giữa Việt Nam và một số nước trên thế giới

Việt Nam đã hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp với rất nhiều nước trên thế giới, Châu Âu, châu Á, châu Úc, châu Mỹ. trong đó có một số nước có nền giáo dục nghề nghiệp phát triển cao như Đức, Hàn quốc, Nhật Bản, Úc, Malaisia…

2.1.Hợp tác với Đức

Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam là chương trình hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ CHLB Đức trong lĩnh vực đào tạo nghề. Chương trình cải thiện tính phù hợp và chất lượng Đào tạo nghề Việt Nam thông qua hỗ trợ các đối tác Việt Nam ở cấp độ tư vấn hệ thống, chính sách dạy nghề và xây dựng năng lực. Các chủ đề trọng tâm là phát triển tiêu chuẩn dạy nghề và đào tạo định hướng thực hành theo nhu cầu ngành công nghiệp. Mặt khác, các cơ sở đào tạo nghề lựa chọn được hỗ trợ hiện đại hóa các khóa đào tạo theo nhu cầu của người sử dụng lao động, đào tạo nâng cao năng lực cho giáo viên lý thuyết và thực hành cũng như cán bộ quản lý. Ngoài ra, các hình thức hợp tác trong đào tạo nghề, như Hợp tác Công Tư, cũng đang được thí điểm. Những kinh nghiệm này được áp dụng vào hoạt động tư vấn chính sách của chương trình, đem lại lợi ích cho Đổi mới Đào tạo nghề quốc gia tại Việt Nam.

Chương trình được thực thi trực tiếp bởi Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) thuộc sở hữu Liên bang (đại diện cho Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức).

Tập đoàn Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW banking group) thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội và sinh thái trên phạm vi toàn cầu. Ngân hàng Phát triển Đức (KfW development bank) phụ trách các hoạt động hợp tác tài chính. Thay mặt Chính phủ Đức, Ngân hàng Phát triển Đức cung cấp các đầu tư tài chính và dịch vụ tư vấn theo dự án nhằm hỗ trợ cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội vì phát triển bền vững.

Trong khuôn khổ hợp tác Việt Đức về đào tạo nghề, GIZ phối hợp với Tổng cục Dạy nghề (nay là Tổng cục GDNN) và các cơ sở dạy nghề đối tác thực hiện các khóa đào tạo nghề nâng cao, đào tạo về sư phạm tiếp cận với trình độ quốc tế; TCDN, KfW và GIZ đã cùng nhau xây dựng bộ tiêu chí phản ánh các nội dung như đào tạo theo định hướng việc làm, tính bền vững về tài chính, trình độ năng lực nhân sự và cơ cấu tổ chức được thiết lập có hiệu quả. Bộ tiêu chí này được sử dụng để đánh giá và lựa chọn các cơ sở đào tạo nghề.

Mục tiêu của hợp tác phát triển song phương giữa Việt Nam và CHLB Đức trong lĩnh vực Đào tạo nghề là nhằm tăng cường lực lượng lao động qua đào tạo và có chất lượng đáp ứng nhu cầu nền kinh tế.

2.2. Hợp tác với Hàn Quốc

Các chương trình hợp tác với Hàn Quốc trong lĩnh vực GDNN được thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA). Đây là tổ chức được thành lập vào năm 1991 với phương châm “Vì một thế giới tốt đẹp hơn” là cơ quan chuyên thực hiện các chương trình viện trợ không hoàn lại cho các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Đây là cơ quan thuộc Chính phủ, nằm dưới sự quản lý trực tiếp của Bộ Ngoại Giao Hàn Quốc.

Văn phòng đại diện KOICA Việt Nam được thành lập năm 1994 và đi vào hoạt động từ đó đến nay. Các chương trình hỗ trợ phát triển chính thức và chương trình hợp tác kỹ thuật mà KOICA Hàn Quốc thông qua KOICA Việt Nam dành cho Chính phủ Việt Nam bao gồm Các lĩnh vực mà KOICA chủ yếu tập trung hỗ trợ là giáo dục đào tạo, y tế, những lĩnh vực được coi là nhu cầu cơ bản của con người và lĩnh vực công nghệ thông tin, một trong những thế mạnh của Hàn Quốc. Trong vòng hơn 10 năm qua KOICA đã thực hiện rất nhiều dự án trên nhiều lĩnh vực nhằm giúp cải thiện môi trường giáo dục, y tế, môi trường thông qua các dự án như xây dựng trường học, trường dạy nghề, bệnh viện, đánh giá kỹ năng nghề nghiệp v.v.

2.3. Hợp tác với Nhật Bản

Các chương trình hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh vực GDNN được thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) (là tên viết tắt của The Japan International Cooperation Agency). Đây là cơ quan duy nhất thực hiện viện trợ ODA của Chính phủ Nhật Bản thông qua 3 hình thức hợp tác: Hợp tác kỹ thuật, Hợp tác vốn vay và Viện trợ không hoàn lại.

Cơ quan này có mục tiêu góp phần phát triển kinh tế xã hộicác nước đang phát triển, tăng cường hợp tác quốc tế của Nhật Bản. Để đạt mục tiêu này, JICA thực hiện thông qua việc chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của Nhật Bản với các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam.

Các dự án: Dự án “Tăng cường năng lực đào tạo giáo viên kỹ thuật dạy nghề” do JICA tài trợ diễn ra trong giai đoạn 2013-2016; Dự án Tăng cường chức năng đào tạo giáo viên (TOT) nhằm mục đích phát triển một mô hình đào tạo thí điểm bồi dưỡng, cập nhật trình độ giáo viên dạy nghề và hy vọng mô hình sẽ trở thành nguồn tham khảo để Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cải tiến các chương trình đào tạo bồi dưỡng giáo viên dạy nghề hiện nay; Từ năm 2000, JICA đã hỗ trợ Việt Nam (tại trường ĐHCNHN) với hai dự án (dự án nâng cao năng lực đào tạo nghề trong giai đoạn 2000-2005 và dự án phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật trong giai đoạn 2010-2013). Dự án đầu tiên nhằm giới thiệu phương pháp giảng dạy theo phong cách Nhật Bản và dự án tiếp theo nhằm nâng cao năng lực của ĐHCNHN trong việc cải tiến và thực hiện các chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có kỹ năng của ngành công nghiệp thông qua việc tăng cường sự liên kết với các doanh nghiệp). Với các dự án được thực hiện thành công, hiện nay, ĐHCNHN được thừa nhận có thể thực hiện đào tạo nghề đạt tiêu chuẩn Nhật Bản và được các cơ quan bộ ngành của Chính phủ, các trường đạo tạo nghề và đặc biệt là ngành công nghiệp đánh giá cao.

2.4. Hợp tác với Malaysia

Hoạt động hợp tác với Malaysia trong lĩnh vực GDNN là đưa giáo viên dạy nghề của Việt Nam sang Malaysia học kỹ năng nghề.

Thông qua cầu nối là Công ty cổ phần tiến bộ Quốc tế (AIC),  Tổng cục Dạy nghề chọn SEGI làm đối tác cho chiến lược “Malaysia hóa” các giáo viên dạy nghề. Tập đoàn SEGI đã cùng đối tác của mình tại Việt Nam là Công ty AIC ký Bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác đào tạo nghề với TCDN Việt Nam với mục tiêu đào tạo 1 vạn giáo viên đạt chuẩn cho Việt Nam trong thời gian 5 năm ( từ 2011-2015).

Thí điểm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề và nghiệp vụ sư phạm dạy nghề cho một số nghề theo chương trình của Malaysia;…

Trên cơ sở đó năm 2013-2014, Tổng cục Dạy nghề chủ trì triển khai tổ chức 12 khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề và nghiệp vụ sư phạm theo chương trình của Úc cho 191 giáo viên dạy 12 nghề trọng điểm thuộc các trường nghề chất lượng cao, tổ chức 08 khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề theo chương trình của Malaysia cho 103 giáo viên. Kết thúc các khóa đào tạo, bồi dưỡng tại Malaysia đạt Chứng chỉ kỹ năng nghề bậc III và bậc IV của Malaysia, đủ năng lực để giảng dạy các chương trình chuyển giao trình độ cao đẳng của Malaysia,

2.5. Hợp tác với một số nước khác

Qua tổng hợp kinh nghiệm từ thực tiễn quá trình hợp tác với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo chương trình của các nước tiên tiến trong khu vực và quốc tế, cụ thể như: phối hợp với tổ chức lao động quốc tế ILO tổ chức bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ sư phạm theo chương trình của City&Guilds của Anh quốc; phối hợp với Vương quốc Bỉ (dự án APEFE) tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên về phương pháp tiếp cận theo năng lực thực hiện; 191 giáo viên được cử đi đào tạo, bồi dưỡng tại Úc đạt Chứng chỉ kỹ năng nghề trình độ cao đẳng, cao đẳng nâng cao và chứng chỉ IV nghiệp vụ sư phạm của Úc, đủ năng lực giảng dạy các chương trình chuyển giao trình độ cao đẳng của Úc; 103 giáo viên hoàn thành các khóa đào tạo, phối hợp với Hội đồng Anh Việt Nam, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tiếng Anh cho 280 giáo viên giảng dạy các nghề trọng điểm cấp độ khu vực và quốc tế.

2.6. Đánh giá chung về thực trạng hợp tác quốc tế về giáo dục dạy nghề trong những năm 2011-2017

Mặt được:

Mở rộng hợp tác với nhiều nước ở các châu lục như Châu Âu, châu Á, châu Đại Dương, những nước có các chính sách, tiêu chuẩn, chương trình, phương pháp giáo dục dạy nghề tiên tiến, đánh giá chất lượng có hiệu quả, như Đức, Hàn Quốc, Nhật bản, Malaysia, và một số nước khác.

Nội dung hợp tác cũng từng bước được mở rộng từ học tập, trao đổi kinh nghiệm, Bồi dưỡng đào tạo giáo viên, quản lý giáo dục nghề nghiệp, đến chuyển giao chương trình dạy nghề, phương pháp đào tạo nghề, đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động và quản lý chất lượng dạy nghề, thống nhất tiêu chí đánh giá trình độ kỹ năng nghề nghiệp.

 Số ngành nghề được hợp tác đào tạo đa dạng hơn như điện tử, cơ khí, công nghệ thông tin, sản xuất vật liệu  đến một số nghề nông nghiệp.

Từ hợp tác cấp Bộ, ngành (Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và đào tạo), đến các trường nghề, hội nghề nghiệp (Hội nông dân)

 Hiệu quả hợp tác giáo dục nghề nghiệp được chú trọng hơn, theo hướng đào tạo nghề gắn với nhu cầu của xã hội, nâng cao kỹ năng, phương pháp giảng dạy của giáo vên đến nâng cao kiến thức kỹ năng và thái độ của người học giúp người học tự thân lập nghiệp, được xã hội và các doanh nghiệp chấp nhận.

Mặt chưa được:

Số cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam ở nước ngoài, cơ sở giáo dục và nghiên cứu của nước ngoài ở Việt Nam còn ít, hiệu quả giáo dục dạy nghề nghiệp chưa được nâng cao rõ rệt.

Xuất hiện sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các cơ sở GDNN, nhất là cho lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc. Việc quản lý các cơ sở GDNN còn nhiều lỗ hổng, dẫn đến tình trạng “vô chính phủ” trong GDNN  và đưa người lao động ra nước ngoài.

Triển khai xây dựng khung trình độ quốc gia, chuẩn đầu ra, tiêu chuẩn kỹ năng nghề, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng  trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và điều kiện phát triển của đất nước chưa thật phù hợp và sáng tạo;

Việc ký kết các chương trình hợp tác GDNN với các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam còn hạn chế.

Đối tượng thụ hưởng và ngành, nghề đào tạo chưa được mở rộng. Chưa gắn chặt việc dạy nghề với giải quyết việc làm cho học sinh học nghề tại các cơ sở GDNN..

III. Một số giải pháp tăng cương hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp

3.1. Các giải pháp về cơ chế, Chính sách

Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả các hoạt động hợp tác

Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả các hoạt động hợp tác với các đối tác truyền thống như Đức, Hàn Quốc, Nhật bản, Malaysia và các nước ASEAN khác. Mở rộng hợp tác với các nước có hệ thống giáo dục nghề nghiêp phát triến, các trường Đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp  ở các quốc gia trong khu vực và quốc tế.

 Xây dựng cơ chế hợp tác

Cùng xây dựng và thống nhất cơ chế hợp tác trên tinh thần đôi bên cùng có lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hợp tác và chú ý tới tính phù hợp và lợi ích của đối tác.

Xây dựng chính sách hợp tác phù hợp

Tích cực xây dựng và tham mưu cho các cấp quản lý cơ chế, chính sách hỗ trợ cho giảng viên và sinh viên tham gia các hoạt động hợp tác với nước ngoài (giảng viên được cử đi giảng dạy, sinh viên đi đào tạo, thực hành thực tế… tại nước ngoài), nhằm động viên, khuyến khích và kích thích cán bộ, giảng viên của  các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia hoạt động hợp tác quốc tế. Tiếp nhận giảng viên nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ ở Việt Nam.

 Chính sách huy động nguồn lực tài chính để bảo đảm đáp ứng yêu cầu hợp tác  quốc tế về giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm kinh phí để gửi học sinh, sinh viên, giảng viên và cán bộ quản lý đi đào tạo ở nước ngoài

 Ngân sách nhà nước kết hợp với các nguồn vốn khác để triển khai tăng cường dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, cho người nước ngoài tại Việt Nam; thu hút kiều bào tham gia giảng dạy trong nước; triển khai các hoạt động khác để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động GDNN

Huy động nguồn lực tài chính từ các nước và các tổ chức quốc tế nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nguồn nhân lực, bổ sung trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thực hiện trao đổi giáo viên, giảng viên và học sinh, sinh viên Việt Nam với các nước; Huy động từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trình độ cao cho GDNN.

Tập trung đào tạo những ngành nghề xã hội đang cần. Đánh giá mở rộng đối tượng thụ hưởng và ngành, nghề đào tạo. Dạy nghề phải gắn với giải quyết việc làm cho học sinh học nghề.

3.2. Các giải pháp về tổ chức thực hiện hợp tác

Triển khai thực hiện khung trình độ quốc gia trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và điều kiện phát triển của đất nước; xây dựng chuẩn đầu ra; xây dựng chỉnh sửa  tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, tiêu chuẩn kiểm định đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Ký kết các chương trình hợp tác với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam trong việc hỗ trợ các cơ sở giáo dục và học sinh, sinh viên nâng cao kỹ năng nghề nghiệp;

Thúc đẩy sự hình thành và phát triển của hệ thống chuyển đổi tín chỉ giữa các nước ASEAN; thực hiện công nhận văn bằng và chuyển đổi tín chỉ giữa các nước trong khu vực và thế giới; mở rộng các chương trình trao đổi và dịch chuyển sinh viên quốc tế.

Bảo đảm chất lượng trong giáo dục nghề nghiệp, tiếp cận các chuẩn khu vực và thế giới. Nâng cao các điều kiện bảo đảm chất lượng. Tăng cường kiểm định chất lượng giáo dục và dạy nghề theo chuẩn khu vực và quốc tế, khuyến khích các cơ sở giáo dục và dạy nghề thực hiện kiểm định trường và chương trình bởi tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín; đào tạo ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong công tác quản lý, giảng dạy, học tập và nghiên cứu về GDNN.

Tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục và dạy nghề nghiệp của Việt Nam với nước ngoài trong việc tiếp nhận chuyển giao chương trình, giáo trình, học liệu, phương pháp giảng dạy và học tập; tiếp nhận sinh viên nước ngoài đến học tập và gửi sinh viên Việt Nam đến cơ sở đối tác để học tập, nghiên cứu;

3.3. Các giải pháp về bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý

Tăng cường các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực chuyên môn về kiến thức kỹ năng nghề nghiệp, thái độ làm việc chuyên nghiệp, năng lực ngoại ngữ (tiếng Anh), tin học và các kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, hợp tác quốc tế… cho cán bộ, giáo viên giảng viên của cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nhằm mục đích giúp cán bộ quản lý, giáo viên  giảng viên có đủ kiến thức, kỹ năng, năng lực tham gia vào các hoạt động hợp tác quốc tế trong thời kỳ hội nhập.

Chú trọng việc tổ chức và cử cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên nhà tham dự các hội thảo khoa học quốc tế, nhằm tạo diễn đàn khoa học thuận lợi để cán bộ, giảng viên được trao đổi thảo luận những kết quả nghiên cứu khoa học với các nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục, các nhà chuyên môn của cơ sở giáo dục đào tạo quốc tế. Từ đó, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ và nghiên cứu khoa học cho cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp.

Xây dựng và thực hiện các chương trình thăm quan, học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở nước ngoài và mời các cơ sở giáo dục nghề nghiệp  nước ngoài đến thăm quan và làm việc với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Việt nam . Từ đó tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc tế và tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên giảng viên  được mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực ngoại ngữ và hội nhập quốc tế.

 Tìm kiếm, mời gọi các nhà khoa học,các chuyên gia lành nghề từ  các cơ sở giáo dục nghề nghiệp  và doanh nghiệp trong và ngoài nước,Tiếp nhận giảng viên nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ ở Việt Nam và cử giảng viên Việt Nam đi công tác, giảng dạy, nghiên cứu và trao đổi học thuật ở nước ngoài; tăng cường giao lưu văn hóa và học thuật quốc tế;vào hợp tác giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Tăng cường hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp thông qua các hình thức phù hợp; mở rộng liên kết đào tạo và hợp tác nghiên cứu khoa học với các cơ sở giáo dục và dạy nghề nước ngoài có uy tín; khuyến khích hình thành một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam ở nước ngoài, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và nghiên cứu của nước ngoài ở Việt Nam;

– Các địa phương và các trường cần chủ động tìm kiếm đối tác trên cơ sở định hướng chiến lược của quốc gia trong lĩnh vực hội nhập và hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp, tránh cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương và cơ sở giáo dục đào tạo.

Kết luận

Chất lượng nguồn nhân lực là khâu đột phá để thực hiện chiến lược kinh tế xã hội giai đoạn 2011 – 2020 và những năm tiếp theo. Do vậy, phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp là yêu cầu, là đòi hỏi của đất nước nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn lực và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đất nước.Một trong những nhân tố nâng cao chất lượng là nâng cao chất lượng hiệu quả hợp tác quốc tế lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. trong thời gian qua Việt nam đã hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp với nhiếu quốc gia trên thế giới đáng chú ý là các nước Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Úc… trên nhiều lĩnh vực nhiều cấp độ tuy nhiên kết quả chưa như mong muốn. Để nâng cao chất lượng hiệu quả hợp tác quốc tế lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp cần có những giải pháp về cơ chế chính sách, Các giải pháp về tổ chức thực hiện hợp tác và các giải pháp về đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý nhà giáo. Và cần thực hiện đồng bộ các giải pháp trên.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Cục KĐCLDN Kinh nghiệm hợp tác quốc tế trong phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng
  2. http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/vat-lieu/viglacera-hop-tac-dao-tao-va-danh-gia-ky-nang-nghe-dat-chuan-vuong-quoc-anh.html
  3. http://gdnn.gov.vn/AIAdmin/News/View/tabid/66/newsid/6268/seo/Giai-phap-hoi-nhap-ASEAN-ve-Giao-duc-nghe-nghiep/Default.aspx
  4. http://gdnn.gov.vn/AIAdmin/News/View/tabid/66/newsid/5984/seo/Hop-tac-quoc-te-trong-cong-tac-dao-tao-boi-duong-giao-vien-day-nghe/Default.aspx
  5. Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 29/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011 – 2020”
  6. Quyết định số 371/QĐ-TTg ngày 28/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế” giai đoạn 2012-2015.
  7. Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020.
  8. Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020”.
  9. Kết quả thực hiện đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề ở nước ngoài năm 2013, 2014.
  10. TS. Nguyễn Quang Việt, Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về nghề nghiệp trong ASEAN – Cơ chế và tiến trình thực hiện

Trả lời