Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho biết, để đảm bảo thuận lợi cho người nộp thuế và cơ quan thuế trong triển khai thực hiện cũng như nâng cao tính pháp lý, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã nghiên cứu, xây dựng để chuyển các nội dung hướng dẫn tại Thông tư 41/2017/TT-BTC hướng dẫn Nghị định lên Nghị định. Vì vậy, Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ban hành ngày 05/11/2020 sẽ không có Thông tư hướng dẫn như Nghị định số 20/2017/NĐ-CP.
Thông tin thêm về một số nội dung mới, Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh, Nghị định 132/2020/NĐ-CP kế thừa quy định tại Nghị định số 68/2020/NĐ-CP ngày 24/6/2020 sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP. Quy định về khống chế chi phí lãi vay lần đầu được áp dụng tại Việt Nam nên không tránh khỏi những khó khăn trong quá trình triển khai mà nguyên nhân chính là do doanh nghiệp Việt Nam có vốn mỏng, chủ yếu là vốn vay, vốn chủ sở hữu thấp. Vì vậy, ngày 24/6/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định 68/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo đó, đã nâng mức khống chế chi phí lãi vay từ 20% lên 30%; cho phép khống chế chi phí lãi vay sau khi đã trừ lãi tiền gửi, tiền vay và mở rộng đối tượng được miễn áp dụng quy định khống chế. Về hiệu lực thi hành, quy định tại Nghị định 68/2020/NĐ-CP được áp dụng ngay trong kỳ tính thuế năm 2019. Quy định về khống chế lãi vay được trừ theo Nghị định 68 đã cơ bản khắc phục những nhược điểm của Nghị định 20. Quy định hồi tố năm 2017, 2018 đối với nội dung nâng ngưỡng khống chế chi phí lãi vay từ 20% lên 30% đồng thời cho bù trừ với lãi tiền gửi, tiền cho vay dự kiến số thuế phải hoàn hoặc khấu trừ khoảng 4.785 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc Nghị định 132/2020/NĐ-CP áp dụng chung cho cả doanh nghiệp trong nước không có cơ hội chuyển giá với các tập đoàn đa quốc gia có thực sự hợp lý không, ông Đặng Ngọc Minh cho rằng, Nghị định 20/2017/NĐ-CP, Nghị định 68/2020/NĐ-CP và Nghị định 132/2020/NĐ-CP đều quy định về quản lý thuế đối với giao dịch liên kết. Trong đó, không phân biệt doanh nghiệp có giao dịch liên kết với nước ngoài hay doanh nghiệp có giao dịch liên kết trong nước.
Đối với các nước khi ban hành các quy định về giao dịch liên kết phải đảm bảo nguyên tắc tuân thủ chung cho cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Việt Nam đã ký Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với các nước về kiểm soát các giao dịch liên kết, áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Như vậy, bản thân doanh nghiệp trong nước cũng đã vươn ra đầu tư ở nước ngoài. Khi đã đầu tư ra nước ngoài, có công ty liên kết ở nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước cũng phải tuân thủ các quy định về giao dịch liên kết, do đó các quy định của Nghị định 132/2020/NĐ-CP cũng kiểm soát vấn đề này.
Thêm nữa, Việt Nam có nhiều chính sách ưu đãi giữa các vùng đặc biệt khó khăn, ngành nghề nhất định sẽ có chính sách ưu đãi theo địa bàn, lĩnh vực. Nếu một tập đoàn đa ngành, đa lĩnh vực, khi có sự chênh lệch giữa các lĩnh vực mà có giao dịch liên kết sẽ phát sinh việc chuyển lợi nhuận từ doanh nghiệp, pháp nhân hay địa bàn có thuế suất cao sang thuế suất thấp. Đây là thực tế, buộc phải có biện pháp quản lý, ưu đãi đúng pháp nhân, địa bàn, lĩnh vực.
Mặt khác, đối với các doanh nghiệp dù không có chênh lệch lãi suất, các doanh nghiệp vẫn có hoạt động chuyển giá là do các hoạt động, lĩnh vực ở từng thời điểm khác nhau có kết quả kinh doanh lãi hoặc lỗ. Theo đó, dù không chênh lệch lãi suất vẫn có thể thông qua hoạt động chuyển giá, qua các giao dịch với các bên liên kết để chuyển lợi nhuận từ doanh nghiệp có lãi sang doanh nghiệp lỗ.
Có thể thấy, doanh nghiệp trong nước cũng có hoạt động chuyển giá, việc Nghị định 132/2020/NĐ-CP áp dụng chung cho cả doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước là phù hợp.
Theo Thu Hằng/taichinhdoanhnghiep.net.vn
Dẫn theo nguồn:https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/khong-co-thong-tu-huong-dan-nghi-dinh-132-2020-nd-cp-ve-quan-ly-thue-doanh-nghiep-co-giao-dich-lien-ket-d16519.html