Tham dự buổi lễ có TS. Nguyễn Dũng Thương – Viện trưởng Viện SEAFIT, ông Sa Văn Khiêm – Vụ trưởng Vụ dân tộc, Văn phòng quốc hội, ông Join Do – Chủ tịch Tập đoàn Daily Life Hoa Kỳ, ông Chúc Kim Vinh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội, bà Nguyễn Thị Lan Hương – Chủ tịch Liên hiệp Hợp tác xã tiêu dùng Việt Nam (VCCU), bà Nguyễn Thị Hậu – Chủ tịch HĐQT HTC Group cùng đông đảo đại biểu khách mời và các cơ quan thông tấn báo chí về tham dự đưa tin.
Hiện nay xu thế nghiên cứu và sử dụng các thực phẩm chức năng được điều chế từ các thảo dược tự nhiên, kết hợp với các phương pháp y học cổ truyền đang ngày càng được ưu chuộng. Thực phẩm chức năng và các sản phẩm hỗ trợ điều trị ngày càng phát triển phổ biến và được nhiều người quan tâm sử dụng. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm trong đó có dòng thực phẩm chức năng và sản phẩm hỗ trợ điều trị diễn biến ngày càng phức tạp, gây lo lắng, bức xúc trong xã hội. Thấu hiểu điều đó, Viện Nghiên cứu Tài chính, Đầu tư và Hợp tác, Thương mại Đông Nam Á đã xây dựng đề án khoa học “Giải pháp tăng cường an toàn và nâng cao trách nhiệm xã hội đối với các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thương mại dòng sản phẩm hỗ trợ điều trị và thực phẩm chức năng theo mục tiêu Ăn sạch, uống sạch để bảo vệ giống nòi”.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Dũng Thương – Viện trưởng Viện Nghiên cứu tài chính, đầu tư và hợp tác thương mại Đông Nam Á chia sẻ: “Đề án nhằm nâng cao trách nhiệm, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và phân phối các dòng sản phẩm hỗ trợ điều trị và thực phẩm chức năng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân khi sử dụng sản phẩm. Đề án nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về vai trò của thực phẩm chức năng. Việc thực hiện đề án cần phải công khai, minh bạch, khách quan đánh giá quá trình từ nơi sản xuất qua phân phối đến người tiêu dùng”.
Đề án khoa học đề xuất một số hướng giải pháp cụ thể: Thứ nhất là giải pháp phát triển thị trường thực phẩm chức năng tại Việt Nam, trong đó tập trung vào việc quy hoạch, bảo tồn hệ động thực vật, dược liệu; Chú trọng công tác nghiên cứu khoa học công nghệ sản xuất, quản lý; Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về vai trò của thực phẩm chức năng và sản phẩm hỗ trợ điều trị. Thứ hai là giải pháp về chống hàng giả hàng nhái đối với thực phẩm chức năng và sản phẩm hỗ trợ điều trị. Theo đó, Đề án đề xuất Giải pháp Tem Vân Niêm Phong của Liên hiệp HTX Tiêu dùng Việt Nam. Điểm mới của đề án là tem vân niêm phong, hội đủ pháp nhân bởi nhà sản xuất và các nhà nhập khẩu trực tiếp khẳng định nguồn gốc, chất lượng hàng hoá bằng vân tay làm cơ sở pháp lý chịu trách nhiệm đối với người tiêu dùng, nhà phân phối của VCCU.
Cũng tại buổi lễ, Bà Vi Thị Hiếu – Thạc sỹ sinh học – Giảng viên Học viện Y học cổ truyền chia sẻ: “ Tôi rất tâm đắc với mục tiêu của đề án Ăn sạch, uống sạch để bảo vệ giống nòi. Đề án đã được kết hợp với một sản phẩm mà không phải bây giờ mới được đưa ra mà đã được tập đoàn HTC group đưa ra ứng dụng trong một năm nay. Là một trong những tín đồ rất thích dùng các thực phẩm chức năng, khi tham gia đề án tôi cũng phải chính mình dùng các sản phẩm để cảm nhận có hiệu quả, tác dụng như thế nào chứ không phải vì mối quan hệ nào đó.”
Tiếp đó, chương trình đã diễn ra lễ kí kết hợp tác toàn diện giữa Viện trưởng Viện Nghiên cứu tài chính, đầu tư và hợp tác thương mại Đông Nam Á cùng với tập đoàn Daily Life và tập đoàn HTC group cam kết sẽ đưa sản phẩm tốt nhất về cho thị trường Việt Nam và bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.
Ông Join Do – Chủ tịch Tập đoàn Daily Life Hoa kỳ bày tỏ sự vinh dự được hợp tác với Viện SEAFIT và HTC Group để triển khai ứng dụng Đề án khoa học đồng thời khẳng định sẽ nỗ lực để đem lại những sản phẩm tốt nhất đến với thị trường Việt, đem lại những giá trị tốt đẹp về sức khỏe cho người tiêu dùng Việt.
Từ kết quả xây dựng Đề án khoa học, tại buổi lễ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tài chính, đầu tư và hợp tác thương mại Đông Nam Á (SEAFIT) đã quyết định phê duyệt và chính thức triển khai đề án vào sản xuất thực tế. Đề án nhấn mạnh cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng; Kiểm tra, giám sát việc quảng cáo thực phẩm chức năng trên địa bàn, giám sát chặt chẽ việc tổ chức hội thảo giới thiệu thực phẩm chức năng theo quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm việc lợi dụng hội thảo giới thiệu sản phẩm để khám chữa bệnh tư vấn trái phép, bán và giới thiệu thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh.
Bên cạnh đó, phổ biến, hướng dẫn người dân chỉ mua các sản phẩm thực phẩm chức năng khi thực sự có nhu cầu và dùng đúng hướng dẫn sử dụng. Không sử dụng sản phẩm theo cách truyền miệng khi không hiểu rõ về sản phẩm; Công khai tên cơ sở vi phạm, nội dung vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật.
Kế hoạch tiếp theo sau buổi lễ ký kết, Ban lãnh đạo trong các tập đoàn sẽ triển khai diễn đàn đối thoại trực tiếp giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất để biết được người tiêu dùng mong muốn điều gì và cần gì ở nhà sản xuất.