Trong những năm trở lại đây, việc phát triển dịch vụ cho vay tiêu dùng nhằm đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia, đồng thời ngăn chặn tình trạng cho vay tự phát trong xã hội do quan hệ cung không đủ cầu (tín dụng đen). Tuy nhiên trên thực tế, nhắm vào nhu cầu vay tiêu dùng nhanh, nhiều công ty, nhất là các ứng dụng cho vay online đã thả sức cho vay với thủ tục đơn giản (chỉ cần chụp một số giấy tờ tùy thân) nhưng sau đó nếu con nợ không trả được thì sẽ phải chịu lãi suất “cắt cổ” và những hình thức đòi nợ “khủng bố”…
Tại Việt Nam, song song với các mô hình cho vay kiểu mới đang xuất hiện thì các hình thức cho vay truyền thống vẫn đang rất phổ biến… Tuy nhiên với tốc độ phát triển như hiện nay, người tiêu dùng cần phải cân nhắc kĩ lưỡng trước khi “Chọn mặt gửi vàng”. Vậy làm sao lựa chọn được kênh hỗ trợ tài chính một cách thông minh nhất? Tránh được những cạm bẫy của “tín dụng đen”?
Cẩn trọng bẫy “tín dụng đen”
Dịch vụ cho vay online nói chung và cho vay qua app nói riêng chính thức xâm nhập vào thị trường Việt Nam trong vài năm trở lại đây và ngày càng phát triển rầm rộ. Do việc sử dụng khá dễ dàng, thủ tục cũng rất đơn giản, chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân và một số giấy tờ liên quan nên đã có không ít người đã tải app và tiến hành vay mà không tìm hiểu kỹ.
Đã có không ít các app vay tiền là hình thức biến tướng của tín dụng đen với lãi suất cho vay “cắt cổ”, có app lãi suất cho vay lên đến 2,5%/ngày, tương đương 17,5%/tuần, 75%/tháng và 912,5%/năm. Do lãi suất quá cao, nhiều người vay đã không thể trả đúng hạn, hoặc không có khả năng thanh toán, lập tức người vay sẽ bị đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”, bị xúc phạm tới danh dự và nhân phẩm. Bạn bè, người thân của họ cũng thường xuyên bị “khủng bố” bằng những cuộc gọi đòi nợ hay những lời đe dọa.
Và vừa qua, công an Tp. Hồ Chí Minh vừa triệt phá băng nhóm do người nước ngoài cầm đầu hoạt động cho vay lãi nặng thông qua app tín dụng đen trên điện thoại di động. Nhóm này tạo ra các ứng dụng trên điện thoại di động để cho vay tiền và được quảng cáo rầm rộ trên Internet, các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube… để thu hút người có nhu cầu vay tiền.
Cầm đồ hiện đại – Điểm sáng giữa bức tranh “tín dụng đen”
Theo thống kê của Forbes Việt Nam, cả nước hiện có trên 30.000 tiệm cầm đồ, riêng ở Hà Nội hiện nay có khoảng 1.700 cửa hàng cầm đồ, ở TP.HCM có 2.300 cửa hàng. Mỗi tỉnh, thành phố đều có các cửa hàng cầm đồ rải rác từ thành phố cho tới nông thôn. Đây hiện vẫn đang là kênh tiếp cận các khoản vay nhanh phổ biến ở nhiều địa phương. Chưa có số liệu thống kê chính thức nào về thị trường này, nhưng theo TS Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia ước tính, quy mô của tín dụng phi chính thức hiện nay vào khoảng 15-20% tổng tín dụng của nền kinh tế, tương đương 1,16-1,55 triệu tỷ đồng.
Ở Việt Nam, lâu nay dịch vụ cầm đồ vẫn được xem là dịch vụ khá nhạy cảm vì phát sinh nhiều vấn đề về an ninh trật tự, với nhiều cửa hàng cầm đồ nhỏ lẻ vẫn chưa được quản lý chặt chẽ. Tuy nhiên xét về bản chất, đây là dịch vụ tài chính đáp ứng được nhu cầu của các khách hàng muốn vay tiền trong thời gian ngắn với các khoản tiền nhỏ hoặc các khách hàng chưa đáp ứng điều kiện vay từ các tổ chức tín dụng. Điểm lợi thế của dịch vụ cầm đồ là thủ tục đơn giản, nhanh gọn và trả nợ linh hoạt.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, thị trường cầm đồ Việt Nam trong vài năm trở lại đây đã thay đổi rõ rệt đặc biệt là khi các cửa hàng cầm đồ có hệ thống xuất hiện và dần thay thế các cửa hàng cầm đồ nhỏ lẻ.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trịnh Văn Phương – CEO của Hệ thống cầm đồ VietMoney cho biết:
“Thực tế lãi suất khi vay qua dịch vụ cầm đồ không hề cao như mọi người vẫn tưởng vì nhu cầu vay đa phần là phục vụ giải quyết nhu cầu trong ngắn ngày, và lợi điểm là có thể trả nợ linh hoạt ngay khi đã thu xếp được tài chính mà không chịu phí phạt như tại các Tổ chức tín dụng.
Ở Vietmoney, giao dịch cầm đồ được thực hiện bằng hợp đồng có đầy đủ các điều khoản bao gồm: lãi suất, định giá, điều khoản dịch vụ chứ không chỉ có phiếu nhận cầm đồ như cách thức truyền thống. Chúng tôi cũng có tiêu chuẩn về việc niêm phong, quản lý và lưu trữ tài sản bằng hệ thống giám sát tại tất cả các điểm nhận cầm cố.
Về giá cầm cũng là yếu tố được nhiều khách hàng cân nhắc. Để mở thành chuỗi, chúng tôi sử dụng thêm yếu tố công nghệ để đảm bảo chất lượng đồng bộ ở khâu này. Hệ thống Machine Learning của Vietmoney thực hiện định giá theo nguyên tắc giá thị trường, tỷ lệ cho vay cũng được chúng tôi đặt các thuật toán theo thanh khoản và biến động thị trường, dao động từ 65% – 90%. Khi tư vấn, nhân viên của chúng tôi dựa vào đó có cơ sở tham chiếu giá để tư vấn cho khách hàng, từ đó khách cũng an tâm khi có đầy đủ thông tin và nhận được báo giá hợp lý”
Dịch vụ cầm đồ hiện cũng rất phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các các quốc gia đã phát triển như Anh, Mỹ, Úc, Nhật … Một số quốc gia trong khu vực dịch vụ cầm đồ phát triển thành các chuỗi lớn như Easy Money, Muangthong, Srisawad (Thái Lan) hay MaxMoney (Singapore)… một số doanh nghiệp còn có sự tham gia vốn nhà nước trong việc quản lý như Perum Pegadaian (Indonesia). Sự xuất hiện của các chuỗi cầm đồ có tính minh bạch với lãi suất phù hợp như Vietmoney hiện nay đang mang đến luồng gió mới cho ngành cầm đồ tại Việt Nam.
Trên thị trường cho vay tiêu dùng hiện nay có rất nhiều sự lựa chọn “mới mẻ” với các giải pháp Fintech từ Ngân hàng hay các doanh nghiệp với những điều kiện vay đơn giản. Tuy nhiên quan trọng nhất là người tiêu dùng cần xem xét kỹ nhu cầu vay và cân nhắc lựa chọn các đơn vị uy tín trên thị trường, cảnh giác với các dịch vụ không rõ ràng, để từ đó góp phần đẩy lùi các dịch vụ tín dụng đen trá hình vốn đang mang đến nhiều vấn nạn nhức nhối.
Dẫn theo nguồn: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-phap-luat/lua-chon-giai-phap-khi-can-vay-tinh-tao-truoc-bay-tin-dung-den-327405.html