Còn cổ phần hóa 91 doanh nghiệp, 28 doanh nghiệp chưa thoái vốn
Theo báo cáo của Bộ Tài chính gửi Quốc hội, giai đoạn 2016 – tháng 9/2020, đã có 178 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.644 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 207.234 tỷ đồng. Tuy nhiên trong 178 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 37/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch). Trong đó:
Tổng giá trị dự kiến bán cho các đối tượng (Nhà đầu tư chiến lược, cán bộ công nhân viên, tổ chức công đoàn, bán đấu giá công khai) là 98.943 tỷ đồng (tương đương 48% giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp);
Tổng giá trị thực tế bán được là 22.748 tỷ đồng (đạt 23% kế hoạch dự kiến bán, tương đương 11% giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp);
Tổng giá trị thu về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp từ công tác cổ phần hóa là 36.392 tỷ đồng (đạt 1,6 lần so với giá bán).
Kế hoạch cổ phần hóa trong 3 tháng còn lại năm 2020: Theo kế hoạch thì năm 2020 còn phải thực hiện cổ phần hóa 91 doanh nghiệp (trong đó triển khai xác định và công bố giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa là 90 doanh nghiệp).
Những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2020 là: Thành phố Hà Nội cổ phần hóa 13 doanh nghiệp (4 Tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch; Thành phố Hồ Chí Minh cổ phần hóa 38 doanh nghiệp (11 Tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa 06 doanh nghiệp (3 Tập đoàn, 3 Tổng công ty); Bộ Công Thương cổ phần hóa 4 doanh nghiệp (3 Tổng công ty, trong đó đã công bố giá trị 1 Tổng công ty); Bộ Xây dựng cổ phần hóa 2 Tổng công ty.
Tổng số thoái vốn từ năm 2016 – hết tháng 9/2020: thoái 25.669 tỷ đồng, thu về 172.917 tỷ đồng (bao gồm khoản thoái 3.436 tỷ đồng, thu về 109.965 tỷ đồng tại Sabeco năm 2017 và thoái 1.030 tỷ đồng, thu về 20.276 tỷ đồng của SCIC tại Vinamilk). Việc triển khai thoái vốn nhà nước theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg còn chậm. Ngày 29/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 908/QĐ-TTg phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 (thay thế Quyết định số 1232/QĐ-TTg) theo đó những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn với giá trị lớn là: Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Thành phố Hà Nội (còn phải thoái vốn tại 28 doanh nghiệp).
Chậm so với kế hoạch đề ra
Trong báo cáo gửi Quốc hội, liên quan đến công tác cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận, trong thời gian qua, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn chưa đạt được kế hoạch đề ra.
Cụ thể, một số Bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, phải điều chỉnh kế hoạch thực hiện cho phù hợp với thực tế; Tiến độ phê duyệt đề án cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước còn rất chậm; đặc biệt là nội dung thoái vốn, cổ phần hóa;
Các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại giai đoạn này hầu hết là các doanh nghiệp lớn, có tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai; hoặc là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích, gắn liền với các hoạt động của địa phương, đóng góp vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện các chiến lược, mục tiêu về an sinh xã hội của địa phương.
Việc chuyển giao các doanh nghiệp sau cổ phần hóa về SCIC; đăng ký giao dịch, niêm yết trên sàn chứng khoán còn chậm; chấp hành chế độ báo cáo chưa được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ; Chậm quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần của các doanh nghiệp đã cổ phần hóa, làm ảnh hưởng đến việc xác định phần vốn nhà nước, thu nộp các khoản thu từ cổ phần hóa theo quy định;
Bên cạnh đó, việc rà soát, phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa gặp nhiều khó khăn, nhiều quy trình thủ tục mất nhiều thời gian do lịch sử pháp lý đất đai phức tạp, địa phương phê duyệt chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định.
Đáng chú ý, theo Bộ Tài chính, trong quá trình tổ chức thực hiện của một số Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.
Đặc biệt, doanh nghiệp nhà nước không muốn thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực phát triển mạnh, có tỷ suất sinh lời cao làm cho tiến độ thoái vốn chậm lại.
Hạn chế sự can thiệp của Nhà nước
Báo cáo nêu rõ cần định hướng về hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. Cụ thể, đổi mới phương thức quản lý doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc thị trường, đảm bảo nguyên tắc ở đâu có vốn nhà nước ở đó có sự quản lý, giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước thông qua người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp gắn với việc bổ sung quy định cụ thể quyền, trách nhiệm của đại diện vốn Nhà nước, áp dụng cơ chế ký hợp đồng với người đại diện vốn nhà nước.
Quy định rõ nội dung chuyển nhượng vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo nguyên tắc hạn chế sự can thiệp của Nhà nước trong xác định giá trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn.
Rà soát, hoàn thiện bổ sung quy định về quản lý, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo hướng thống nhất với quy định của Luật NSNN về thu hồi vốn từ các tổ chức kinh tế thuộc trung ương và địa phương được thu vào NSNN trung ương hoặc địa phương theo phân cấp, trong đó: việc lập dự toán thu, chi NSNN từ nguồn thu này được lập theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật NSNN, Luật Đầu tư công; việc quản lý, sử dụng nguồn thu này để hỗ trợ cho quá trình sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp, đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.
Về vấn đề quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các địa phương, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Tăng cường công tác chấp hành kỷ luật kỷ cương về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường, mang lại hiệu quả, lợi ích cao nhất cho nhà nước.
Năm 2016: Cổ phần hóa 66 doanh nghiệp với tổng giá trị doanh nghiệp là 40.206 tỷ đồng, trong đó giá trị phần vốn nhà nước là 27.328 tỷ đồng; Năm 2017:Cổ phần hóa 70 doanh nghiệp với tổng giá trị doanh nghiệp là 370.362 tỷ đồng, trong đó giá trị phần vốn nhà nước là 161.955 tỷ đồng; Năm 2018: Cổ phần hóa 23 doanh nghiệp với tổng giá trị doanh nghiệp là 31.707 tỷ đồng, trong đó giá trị phần vốn nhà nước là 16.740 tỷ đồng; Năm 2019: Cổ phần hóa 12 doanh nghiệp với tổng giá trị doanh nghiệp là 956 tỷ đồng, trong đó giá trị phần vốn nhà nước là 812 tỷ đồng; 9 tháng đầu năm 2020: cổ phần hóa 7 doanh nghiệp với tổng giá trị doanh nghiệp là 411 tỷ đồng, trong đó giá trị phần vốn nhà nước là 396 tỷ đồng. |
Theo T. Phương/taichinhdoanhnghiep.net.vn
Dẫn theo nguồn: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/nhieu-doanh-nghiep-khong-muon-thoai-von-khoi-nhung-nganh-sinh-loi-cao-d15939.html