PHÂN TÍCH VÀ ĐỀ XUẤT MỘT SỐ BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID – 19

 

Trịnh Huy Châu – Chuyên viên kinh tế cấp cao, Viện Nghiên cứu Tài chính, Đầu tư và Hợp tác, Thương mại Đông Nam Á

Đại dịch covid – 19 đang còn diễn biến hết sức cam go và phức tạp, số người nhiễm và tử vong trên thế giới vẫn không hề giảm. Nhằm góp phần nhỏ cùng Nhà nước, Chính phủ và toàn dân trong cuộc chiến chống đại dịch covid – 19, Viện SEAFIT trân trọng giới thiệu bài viết của các nhà khoa học “Phân tích và đề xuất một số biện pháp phòng chống dịch covid – 19” để mọi người tham khảo.

I/ Trong cuộc chiến chống đại dịch covid -19 hiện nay, ngoài yếu tố tinh thần, ý chí quyết tâm, đoàn kết một lòng v.v… thì việc xác định chính xác  chuỗi biện pháp liên hoàn, bổ trợ lẫn nhau trên tinh thần hợp đồng tác chiến có ý nghĩa cực kỳ quan trọng!

Dưới đây, chúng tôi xin chia sẻ một số phân tích về mối quan hệ logic nội tại của chuỗi biện pháp nói trên, qua đó góp phần nâng cao nhận thức và hiệu quả thực hiện từng biện pháp, cũng như tổng thể nhóm biện pháp nói chung. Đồng thời xin mạnh dạn đề xuất một  biện pháp chống dịch lây lan cụ thể để bạn đọc tham khảo.

Trước tiên, việc quan trọng hàng đầu là phải nhận thức rõ nguy cơ đại dịch, nhạy bén phát hiện sớm nguồn gốc và chủng loại virus gây bệnh, cách thức và đối tượng lây lan, nguy cơ xuất hiện các ổ dịch xâm nhập vào nước ta, cập nhật những trường hợp cụ thể đã bị lây nhiễm v.v… Có thể nói trong khi tại nhiều nước, người dân và cả Chính phủ còn lơ mơ chủ quan về nạn dịch CORONA thì Việt Nam chúng ta đã rất nhạy bén trong việc này. Chúng ta đã theo dõi rất sát sao tình hình và diễn biến ổ dịch, hiểu rõ nguy cơ đe doạ đất nước và đã rất kịp thời tuyên truyền giáo dục ý thức cảnh giác cho nhân dân cũng như toàn thể hệ thống chính trị. Nhờ đó đã chủ động đề ra quyết sách đối phó đúng đắn ngay từ những ngày đầu khi virus xuất hiện.

Tiếp theo, khi đã nhìn thấy nguy cơ và xác định con đường lây lan dịch bệnh cũng như tiến hành sàng lọc được bệnh nhân, chúng ta phải chủ động ngăn chăn nguồn lây bệnh từ mọi đối tượng, mọi không gian, thời gian và mọi phương tiện càng sớm càng tốt. Không thể để dịch bùng phát rồi mới có biện pháp ngăn chặn, khi đó rất dễ bị động và lúng túng. Ngay từ những ngày đầu tháng 2 năm 2020, khi WHO còn chưa tuyên bố dịch toàn cầu, Việt Nam chúng ta đã âm thầm chuẩn bị các phương án dự phòng, kịch bản, kế hoạch, nhân sự, các chốt chặn và phương tiện vật chất, kỹ thuật từ Trung ương xuống tới các địa phương trong toàn quốc để phục vụ cho cuộc chiến chống đại dịch covid – 19.

Thực tế cho thấy, phát hiện sớm giúp việc ngăn chặn nâng cao được hiệu quả thực tế. Ngược lại, ngăn chặn kịp thời giúp phát hiện sớm ổ dịch mới và sàng lọc nhanh người ủ bệnh, tiềm ẩn nguồn lây bệnh và người phát bệnh tạo điều kiện thuận lợi cho việc chữa trị kịp thời.

Bản chất bệnh dịch bắt nguồn là sự phát tán virus; đại dịch do virus mới gây ra thì tốc độ lây lan càng nhanh. Vì vậy dù có “ngăn” tích cực đến đâu cũng không  thể  “chặn” hết mọi con đường thâm nhập của chúng vào lãnh thổ nước ta. Vậy khi đó phải làm gì? Trước hết, phải khẩn trương cách ly không được phép chần chừ. Có thể coi cách ly là biện pháp hành chính bắt buộc nhằm khoanh vùng một không gian nhất định có nguy cơ lây lan cao để tạo điều kiện tập trung lực lượng (lực lượng phản ứng nhanh) tổ chức kiểm soát, ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh ra diện rộng hơn. Dĩ nhiên đây là biện pháp không mong muốn nhưng không thể không làm. Ở nhiều nước trên thế giới, lúc đầu biện pháp này bị coi là phi thực tế, mang tính cưỡng bức không dân chủ, khắc nghiệt v.v…nhưng khi dịch bùng phát thì họ lại thi hành cách ly rất quyết liệt, thậm chí cách ly cả Quốc gia! Cho tới nay, một thế giới phẳng nhờ công nghệ thông tin hiện đại đã bị cắt thành những lát nhỏ riêng biệt rất đáng buồn, nhưng rất cần thiết để ngăn chặn, khoanh vùng, co cụm tiêu diệt loại virus nguy hiểm này.

Về bản chất, cách ly cũng là một trong những biện pháp ngăn chặn, nhưng đây là ngăn chặn từ xa mang tính cộng đồng. Cách ly tốt góp phần nâng cao hiệu quả của quá trình ngăn chặn, và muốn ngăn chặn đạt kết quả mong muốn lại cần cách ly kịp thời mọi nguy cơ lây lan! Chính nhờ có nhận thức đúng đắn nêu trên, luôn vì sự an toàn của bản thân và cộng đồng nên dù lúc đầu còn bỡ ngỡ chưa quen, có phần hoang mang nhưng sau đó, nhân dân tại các vùng cách ly đã hưởng ứng tích cực, thực hiện nghiêm mọi qui định, duy trì cuộc sống an toàn an ninh, thậm chí còn rất yên tâm, phấn khởi! Điều này khiến người nước ngoài rất ngạc nhiên và thán phục.

Tuy nhiên, khi đã  áp dụng  đủ mọi biện pháp nhưng vẫn  không thể sàng lọc hết người nhiễm bệnh thì tất nhiên phải tổ chức  chữa trị triệt để  nhằm cứu tính mạng con người, xóa bỏ nguồn lây bệnh nguy hiểm. Trong giai đoạn đầu, chúng ta đã chữa trị thành công cho 16 ca mắc virus và duy trì hơn 20 ngày không có ca nhiễm mới, cũng không có trường hợp tái nhiếm. Đây là một thành tích rất đáng tự hào khi mà thế giới còn chưa kịp “làm quen” với con Covid! Điều quan trọng là từ những ca khỏi bệnh, chúng ta đã có thể xác định được phác đồ điều trị và kiểm định tác dụng của các loại thuốc đã sử dụng thành công.

Khi biện pháp chữa trị tốt thì tất yếu làm giảm đối tượng bị cách ly. Ngược lại, cách ly đúng vùng đúng người sẽ góp phần kịp thời tìm ra bệnh nhân cần chữa trị. Thực hiện tốt cả hai biện pháp đều sẽ làm tăng thêm niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước ta.

Điều trị một căn bệnh lạ do virus lạ gây ra chưa bao giờ là một việc dễ dàng. Hơn lúc nào hết đội ngũ y tế của chúng ta đã và đang phải huy động và ứng dụng mọi thành quả của công tác nghiên cứu khoa học công nghệ trong nước cũng như trên thế giới để hướng đến mục tiêu chữa trị hoàn toàn căn bệnh Covid- 19. Chúng ta đã là một trong những Quốc gia đầu tiên phân lập được Virus Covid-19, sản xuất được bộ KIT thử nhanh hơn so với nhiều nước, nghiên cứu và thử nghiệm thuốc đăc trị, sản xuất thành công phòng khử trùng nhanh và robot chăm sóc người bệnh. Có thể nêu nhận xét: chưa bao giờ khoa học công nghệ Việt Nam lại có thể rút ngắn thời gian nghiên cứu và đưa thành quả khoa học công nghệ vào cuộc sống nhanh như lần này. Như vậy, một trong những biện pháp tiếp theo chính là khẩn trương nghiên cứu khoa học công nghệ để kịp thời ứng dụng vào cuộc chiến chống đại dịch đang diễn ra rất cam go, căng thẳng. Sự phát triển của khoa học công nghệ hỗ trợ đắc lực cho quá trình phòng và chữa trị bệnh; ngược lại, nhu cầu chữa trị ngày càng tăng lại là cơ hội để khoa học công nghệ phát triển lên tầm cao mới.

Những biện pháp nêu trên sẽ phát huy sức mạnh tổng hợp tối đa khi toàn dân đoàn kết, đồng lòng, cùng  chung tay chiến đấu chống giặc dịch bệnh đến thành công. Đây chính là điều kiện tiên quyết để mọi chủ trương, quyết sách của Đảng, Chính phủ đi vào cuộc sống. Vào thời điểm cuộc chiến chống đại dịch Covid- 19 đã chuyển sang giai đoạn mới hết sức nguy hiểm thì càng đòi hỏi chúng ta thực hiện những biện pháp đồng bộ nói trên một cách nghiêm túc nhất, triệt để nhất, tuyệt đối không chủ quan, lơ là…

II/ Hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân tham gia phong trào sáng tạo chống dịch, dưới đây chúng tôi xin đề xuất một sáng kiến nhỏ thuộc biện pháp “ngăn chặn” dịch bệnh như sau. Có thể chia biện pháp “ngăn chặn” thành  hai hình thức: ngăn gián tiếp tại cộng đồng và ngăn trực tiếp cho mỗi cá nhân. Xét đến cùng con đường vỉrus lây nhiễm đều phải đi qua miệng hoặc mũi từng người cụ thể. Do vậy, trong biện pháp ngăn chặn nhiễm bệnh trực tiếp cho mỗi cá nhân thì việc đeo khẩu trang là quyết định nhất. Nhận thấy điều đó, đích thân Thủ tướng chính phủ đã chỉ đạo toàn dân khi ra khỏi nhà đều phải đeo khẩu trang. Tuy vậy, cho tới nay, việc  đeo khẩu trang chống dịch vẫn còn theo đường mòn lối cũ, mang tính phòng thủ thụ động là chính. Tác  dụng của  chiếc khẩu trang do đó chỉ là ngăn virus bằng phương pháp cơ học. Những con covid-19 bị chặn lại ở bên ngoài khẩu trang người này, hoàn toàn vẫn có thể lây lan sang người khác mà không bị tiêu diệt. Vậy làm thế nào để chiếc khẩu trang trở thành vũ khí sắc bén vừa ngăn được virus vừa tiêu diệt được chúng?

Sau một thời gian quan sát, tìm tòi suy nghĩ và sử dụng thử, chúng tôi mạnh dạn đề xuất ý kiến: Phải chế tạo loại khẩu trang diệt khuẩn bằng cách ngâm tẩm nó với các dung dịch diệt khuẩn đã được cơ quan có thẩm quyền khẳng định. Thông thường đó là những dung dịch xúc miệng hoặc xúc cổ họng có tác dụng diệt khuẩn hiện đang có trên thị trường và đã được Bộ y tế cho phép sử dụng. Trong đó không thể không kể đến những loại dung dịch nano có tính sát khuẩn rất mạnh nhưng lại không ảnh hưởng tới sức khoẻ người dùng.

Về mặt lý thuyết, phương pháp tăng sức mạnh cho vũ khí khẩu trang bằng ngâm dung dịch diệt khuẩn là hợp lý, có tác dụng với cả người đã bị nhiễm virus và cả với người chưa nhiễm nhưng thường xuyên tiếp xúc với người bệnh. Hãy hình dung: virus từ miệng mũi người bệnh bắn ra ngoài sẽ bị ngăn lại và xoá sổ bởi mặt trong của chiếc khẩu trang có độ ẩm cao nhờ đã ngâm tẩm chất diệt khuẩn rất mạnh! Với người khoẻ, khi virus trong không khí rơi vào mặt ngoài khẩu trang, chúng cũng sẽ bị tiêu diệt vì chiếc khẩu trang đã được ngâm tẩm dung dịch cần thiết!

Với suy nghĩ đó, chúng tôi hy vọng ý tưởng về chiệc khẩu trang ngâm tẩm dung dịch diệt khuẩn sẽ được các cơ quan chức năng thẩm định, người dân mọi miền đón nhận và tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm trong thực tế. Điều đáng mừng là việc tạo ra thứ vũ khí đó không phức tạp, tốn kém, gần như ai cũng có thể làm được ở bất kỳ nơi đâu, bất kỳ lúc nào, chỉ cần trên tay có chiếc khẩu trang và một chai xịt thuốc diệt khuẩn vòm họng!

Yêu cầu quan trọng hàng đầu là phải tìm ra loại dung dịch sát khuẩn phù hợp nhất, chất lượng tốt nhất đã được phép sử dụng, không dùng những sản phẩm không rõ nguồn gốc, chưa được phép lưu hành nhưng được quảng cáo ồn ào trên mạng xã hội vì mục đích thương mại. Chính vì vậy, rất mong sự vào cuộc tích cực, kịp thời của các cơ quan chức năng có liên quan. Nếu loại khẩu trang chủ động diệt khuẩn này được phép ra đời, được đông đảo bà con sử dụng có hiệu quả thực tế thì rất có thể Việt Nam chúng ta sẽ là một trong những Quốc gia đầu tiên khống chế thành công, đi đến xoá bỏ đại dịch Covid-19./.

                                                                                                       Ngày 22/3/2020.

Trả lời