Đó là khẳng định của ông Ngô Hữu Lợi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính). Đây là bước tiếp theo được triển khai quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính và pháp luật tài chính thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính nhằm cụ thể hóa Quyết định số 1173/QĐ-BTC ngày 07/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về kế hoạch tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ngày Pháp luật ngành Tài chính.
Kịp thời sửa đổi, bổ sung và xây dựng các chính sách tài chính
Thời gian qua, hệ thống pháp luật tài chính đã được Bộ Tài chính từng bước hoàn thiện đồng bộ, trong đó một số văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) quy định các chính sách mang tính đột phá, “đi trước mở đường”. Pháp luật tài chính được sửa đổi, bổ sung kịp thời góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính.
Ông Ngô Hữu Lợi cho biết, với chức năng nhiệm vụ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, nên hàng năm có số lượng văn bản QPPL được Bộ Tài chính xây dựng, ban hành rất lớn. Hệ thống pháp luật tài chính đã tiếp tục hoàn thiện cả về nội dung, hình thức, số lượng và chất lượng văn bản QPPL.
Bên cạnh đó, chất lượng thẩm định, cung cấp ý kiến pháp lý của tổ chức pháp chế cho dự thảo văn bản QPPL được nâng cao; thời hạn thẩm định bảo đảm; nội dung thẩm định có lập luận vững chắc về từng vấn đề, làm cơ sở để đơn vị chủ trì soạn thảo nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, nâng cao chất lượng của dự thảo văn bản, góp phần bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật tài chính. Nhiều văn bản thẩm định đã đưa ra những nhận xét, đánh giá mang tính phản biện đối với cả nội dung và hình thức của dự thảo văn bản, làm cơ sở để đơn vị chủ trì soạn thảo hoàn chỉnh, nâng cao tính khả thi, hợp lý của dự thảo văn bản.
Về tổng thể, pháp luật tài chính đã được hoàn thiện theo những nhóm nội dung trọng tâm sau:
Thứ nhất, bổ sung những quy định mới nhằm thể chế hóa, quy phạm hóa chủ trương, định hướng của Đảng; đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội.
Thứ hai, kịp thời sửa đổi những quy định còn bất cập, hạn chế so với thực tiễn, đặc biệt là sửa đổi, bãi bỏ những quy định về thủ tục hành chính không còn cần thiết hoặc còn tiêu tốn nhiều thời gian, chi phí tuân thủ.
Thứ ba, bổ sung, cập nhập những quy định mới cho phù hợp với thông lệ và các Điều ước quốc tế.
Thứ tư, xử lý, giải quyết những quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo, chưa thống nhất giữa văn bản tài chính với luật, nghị định trong lĩnh vực đầu tư, thương mại và các lĩnh vực khác có liên quan.
Tiếp tục tăng cường công tác hoàn thiện pháp luật tài chính
Pháp luật tài chính Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo sẽ từng bước được hoàn thiện, đảm bảo cho hệ thống tài chính ngân sách được vận hành thông suốt, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường hội nhập quốc tế. Trong thời gian tới, hệ thống pháp luật tài chính sẽ tiếp tục được nghiên cứu và hoàn thiện để phù hợp với tình hình kinh tế – tài chính trong nước và thế giới dự báo còn nhiều biến động.
Theo ông Ngô Hữu Lợi, nhiệm vụ xây dựng pháp luật ngày càng nặng nề, trong khi quy trình xây dựng pháp luật ngày càng khó và chặt chẽ. Do đó, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác này. Các chính sách tài chính trong thời gian tới tiếp tục tạo khung pháp lý thống nhất, đồng bộ, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
Thực tiễn cho thấy, hoạt động soạn thảo văn bản QPPL có nhiều chuyển biến tích cực khi các thủ trưởng đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì đã quan tâm đến việc bố trí nguồn lực thích đáng cho công tác này, từ việc giao nhiệm vụ cụ thể đến từng lãnh đạo phụ trách công tác, từng phòng, từng công chức của đơn vị.”
Ông Ngô Hữu Lợi.
Với vai trò là công cụ để pháp lý hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế, từ nay đến năm 2030, pháp luật tài chính sẽ được hoàn thiện hướng đến thể chế hóa sâu sắc, đầy đủ, toàn diện mục tiêu, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo của Đảng. Để hiện thực hóa các định hướng nêu trên theo đúng lộ trình, thời gian tới cần triển khai một số giải pháp cụ thể sau:
Thứ nhất, thường xuyên tổ chức tổng kết, đánh giá việc thi hành quy định hoặc chính sách được quy định tại các Luật, Pháp lệnh, cụ thể như: Tổng kết, đánh giá việc thi hành quy định hoặc chính sách được quy định tại các Luật, Pháp lệnh, nhằm đánh giá những kết quả đạt được từ thực tiễn so với mục tiêu ban đầu; Tổng kết, đánh giá tình hình và kết quả tổ chức, thực hiện từ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến việc áp dụng pháp luật, qua đó, nhận diện, phân loại các vướng mắc phát sinh.
Thứ hai, ưu tiên bố trí nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hoàn thiện pháp luật: Quan tâm hơn nữa và chuẩn bị sẵn sàng về chất lượng, số lượng nguồn nhân lực cho công tác hoàn thiện thể chế theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó cần chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp chế; Thường xuyên bồi dưỡng kỹ năng về xây dựng chính sách, về lập chương trình Luật, về soạn thảo văn bản.
Thứ ba, để hỗ trợ tích cực cho quá trình hoàn thiện pháp luật tài chính thì hoạt động truyền thông về mục tiêu, yêu cầu, nội dung chính sách, tác động chính sách… ngày càng phải được tăng cường hơn và chuyên nghiệp hơn. Đồng thời, pháp luật tài chính cần tiếp tục cụ thể hóa các quy định tại Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 09/11/2016 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 và Chiến lược ngành Tài chính đến năm 2020.
“Bộ Tài chính sẽ triển khai công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính có trọng tâm, trọng điểm và có thứ tự ưu tiên trong từng giai đoạn, hoàn cảnh cụ thể. Bộ Tài chính sẽ đặc biệt quan tâm đến hình thức tham vấn, lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, thông qua việc tổ chức hội nghị, hội thảo, đối thoại với doanh nghiệp nhất là trong các lĩnh vực thuế, hải quan… qua đó ghi nhận vướng mắc trong triển khai thực hiện, làm cơ sở để đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các quy định, hỗ trợ tốt hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp.”- Vụ trưởng Vụ Pháp chế Ngô Hữu Lợi khẳng định.
Theo Thanh Dương/tapchitaichinh.vn
Dẫn theo nguồn Link: http://tapchitaichinh.vn/Chuyen-dong-tai-chinh/phap-luat-tai-chinh-se-tiep-tuc-duoc-hoan-thien-dong-bo-326875.html