Sáng ngày 9/11/2023 tại Hoàng thành Thăng Long đã diễn ra Lễ Khai mạc Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023. Theo thường trực Ban tổ chức Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 lần này sẽ được diễn ra từ ngày 9/11/2023 đến 12/11/2023 với các sự kiện chính: Lễ vinh danh các nghệ nhân, thợ giỏi (sáng 9/11/2023); Lễ khai mạc Festival (tổ chức vào tối ngày 9/11/2023) tại Hoàng thành Thăng Long với khoảng 300 đại biểu.
Sản phẩm tinh hoa làng nghề Sơn Đồng – Hoài Đức – Hà Nội |
Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam 2023 được tổ chức với mục đích nhằm bảo tồn, gìn giữ, tái hiện và phát huy bản sắc các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; hình thành các nét văn hoá đương đại của làng nghề Việt Nam; tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi, người lao động trong các làng nghề, khơi dậy tình yêu các nghề truyền thống của thế hệ trẻ, qua đó thu hút lực lượng lao động trẻ, có trình độ tham gia vào hoạt động, sản xuất kinh doanh của các làng nghề; kiến tạo môi trường giao lưu văn hoá làng nghề, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức về thiết kế mẫu mã, sản xuất, kinh doanh các mặt hàng làng nghề của Việt Nam với các nước trên thế giới.
Sản phẩm tinh hoa làng nghề từ Mây Tre đan | Lãnh đạo Viện SEAFIT thăm gian hàng Gốm sứ Việt Anh từ sản phẩm tinh hoa Gốm sứ Bát Tràng nổi tiếng |
Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam 2023 có quy mô 300 gian hàng của 42 tỉnh, thành phố trong cả nước tham dự. Hội chợ trưng bày, giới thiệu nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng của các làng nghề, phố nghề truyền thống trong cả nước. Điển hình: Gốm sứ Bát Tràng; tơ tằm Mỹ Đức, thêu ren Thường Tín, đồ gỗ Canh Nậu, tò he Xuân La, mây tre đan Phú Vinh, sơn mài Hạ Thái, khảm trai Chuôn Ngọ; gốm Chu Đậu; trống Đọi Tam Hà Nam; trống lân Năm Mến Long An; nón ngựa Phú Gia Bình Định; mỹ nghệ từ dừa Bến Tre…
Tham gia Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam, Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Tài chính, Đầu tư và Hợp tác, Thương mại Đông Nam Á thực sự ngỡ ngàng và trân trọng các sản phẩm tinh hoa làng nghề Việt bởi Festival lần này không chỉ đa dạng phong phú về nội dung hoạt động diễn ra tại sự kiện (06 sự kiện chính) mà điều đặc biệt là Festival lần này được xây dựng với nhiều điểm mới, nổi bật như lần đầu tiên tổ chức vinh danh khoảng 100 nghệ nhân, thợ giỏi của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hàng nghìn làng nghề nông thôn, làng nghề truyền thống trải khắp đất nước, những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống, đã đóng góp giá trị to lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội. Mỗi làng nghề đều gắn liền với câu chuyện đời sống vật chất, tinh thần, tiếp nối qua nhiều thế hệ và được chắt chiu, nâng niu trong từng sản phẩm.
Bên cạnh đó, Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam 2023 còn trưng bày nhiều sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm chủ lực và các sản phẩm tiềm năng của các địa phương trong cả nước./.
Theo tin từ Viện Nghiên cứu Tài chính, Đầu tư và Hợp tác, Thương mại Đông Nam Á (SEAFIT)