THẤT THU NGÂN SÁCH TỪ FDI

Tuy nhiên, điều nghịch lý là dù tạo ra lợi nhuận lớn nhất, nhưng DN FDI lại có tỷ lệ đóng thuế ít nhất vào ngân sách nhà nước (NSNN), chỉ 250.900 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể so với 434.700 tỷ đồng của khu vực tư nhân và 277.300 tỷ đồng của DNNN.
Nhìn vào mức đóng góp NS của khối FDI và DNNN có thể thấy, gánh nặng đóng góp vào nguồn thu NS đang dồn lên vai các DNNVV. Đây là một nghịch lý, bởi DN FDI và DNNN lâu nay vốn được hưởng nhiều ưu đãi, trong khi đó DNNVV – vốn chiếm đến 97% số lượng DN ở Việt Nam và đóng góp nhiều cho NS – vẫn bị phân biệt đối xử.
Thí dụ, với thuế thu nhập DN, nếu DN trong nước nộp tối đa 22%, mức đóng cao nhất trong 30 năm của FDI chỉ bằng một nửa. Ngoài ra, khối DN FDI còn được miễn, giảm nhiều loại thuế như thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng. Nhiều địa phương cũng đưa ra các chính sách ưu đãi lớn để đẩy mạnh thu hút FDI như hỗ trợ kinh phí khởi nghiệp, giải phóng mặt bằng, giảm giá thuê đất…
Ngoài ra, DN FDI hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao lại còn được miễn thuế trong hoạt động xuất nhập khẩu, nên số lượng đóng góp cho NSNN càng giảm.
Trong khi DN FDI được hưởng hàng loạt chính sách ưu đãi, thì chúng ta lại khắt khe với chính người nhà của mình, người đồng cam cộng khổ và có nhiều đóng góp cho kinh tế đất nước. Đơn cử như Tập đoàn Viettel vỡ mộng vì bị Bộ Tài chính thẳng thừng bác việc xin ưu đãi thuế giống Samsung. Hay như khoản đầu tư 500 tỷ đồng để phát triển công nghệ của gốm sứ Minh Long không được đáp ứng chỉ vì thiếu vài thủ tục hành chính…
Nhịch lý trên càng gây bức xúc dư luận, khi theo ước tính mỗi năm Việt Nam bị thất thu khoảng 170 tỷ USD do hoạt động chuyển giá của khối FDI. Theo thống kê tới tháng 12-2017, cả nước có khoảng 50% DN FDI kê khai lỗ, trong đó nhiều DN thua lỗ liên tục trong các năm liên tiếp. Tại TPHCM có tới gần 60% trong số 3.500 DN FDI, tỉnh Lâm Đồng cũng có 104/111 DN FDI, và tỉnh Bình Dương có đến 50% DN FDI… thường xuyên kê khai lỗ. Những hành vi này đã góp phần giúp DN FDI giảm được đáng kể số tiền phải nộp cho NSNN.
Thực tế, những năm gần đây việc báo lỗ, chuyển giá của DN FDI tại Việt Nam đã bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lý. Như Keangnam Vina – chủ đầu tư tòa nhà Keangnam – bị vạch trần hành vi nâng khống đầu vào để liên tục khai lỗ trong 5 năm và bị buộc phải nộp truy thu thuế thu nhập DN cho mảng kinh doanh bán căn hộ với tổng thuế 95,2 tỷ đồng. Công ty Hualon Corporation (KCN Nhơn Trạch 2, Đồng Nai) gần 20 năm liên tục báo lỗ, nâng khống giá dây chuyền máy lên đến 40 lần (từ 400.000USD thành 16 triệu USD).
Metro Cash & Amp Carry bị truy thu hơn 507 tỷ đồng do hành vi chuyển giá sau 12 năm hoạt động tại Việt Nam. Coca Cola báo lỗ lên đến hơn 3.768 tỷ đồng, vượt cả số vốn điều lệ 2.950 tỷ đồng DN đã đầu tư vào Việt Nam. Mới đây nhất là Grab, vốn pháp định 20 tỷ đồng nhưng lỗ lũy kế hơn 938 tỷ đồng.
Biểu hiện cụ thể các hành vi chuyển giá của các DN FDI là đội giá đầu vào như giá trị đầu tư thiết bị máy móc, nguyên vật liệu, công cụ và dụng cụ và hạ thấp giá sản phẩm đầu ra, khiến hạch toán của DN FDI thua lỗ liên tiếp; tạo ra giá trị ảo cho tài sản cố định, tăng tỷ lệ khấu hao vào chi phí, làm sai lệch tổng vốn FDI khi giải ngân. Cách làm trên của DN FDI khiến thị trường tư liệu sản xuất và thị trường tiêu dùng trong nước phải chịu mức giá cao bất hợp lý.
Hoạt động chuyển giá của DN FDI còn tạo ra nhiều tác động tiêu cực tới thị trường trong nước, như làm giảm nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, làm thay đổi cấu trúc của các giao dịch thương mại, làm sai lệch giá vốn dẫn đến sai lệch trong phân phối lợi ích, tạo ra khả năng chiếm lĩnh, giành thị phần cũng như thôn tính đối tác với mức chi phí thấp nhất.
Quá trình hội nhập và phát triển sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các quốc gia, song cũng xuất hiện nhiều thách thức mới. Đặc biệt, việc DN FDI có hành vi chuyển giá nhằm trốn thuế dẫn đến Việt Nam thất thu lớn nguồn NSNN, đang đặt ra cho nhà quản lý yêu cấp thiết trong việc kiểm soát tốt hơn nữa hoạt động của các DN FDI, để hạn chế thấp nhất tình trạng chuyển giá đã và đang diễn ra.
Theo đó, để chống chuyển giá của các DN FDI tại Việt Nam, các cơ quan chức năng cần hoàn thiện hệ thống pháp lý về chuyển giá; xây dựng cơ sở dữ liệu về giá cho các giao dịch; kiện toàn bộ máy quản lý ngành thuế và các cơ quan chức năng khác… nhằm tạo sự bình đẳng trong nghĩa vụ đóng góp, tránh thất thu cho NSNN.

ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

 

Xem thêm:

Trả lời