Ảnh minh họa. Nguồn: internet
26 bộ và 50 địa phương chưa phân bổ hết vốn
Bộ Tài chính cho biết, đến thời điểm báo cáo, Bộ Tài chính đã nhận được báo cáo phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 của 49/52 bộ, cơ quan trung ương và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong đó, có 26/49 bộ, cơ quan trung ương và 50/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Về tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước, theo Bộ Tài chính, lũy kế thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/01/2023 là 26.141,27 tỷ đồng, đạt 3,48% kế hoạch và đạt 3,70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cùng kỳ năm 2022 đạt 4,04% kế hoạch và đạt 4,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, vốn trong nước là 26.066,52 tỷ đồng, đạt 3,60% kế hoạch giao là 723.521,873 tỷ đồng; Vốn nước ngoài là 74,75 tỷ đồng, đạt 0,27% kế hoạch giao là 34.800 tỷ đồng.
Ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 28/02/2023 là 49.247,90 tỷ đồng, đạt 6,55% kế hoạch, đạt 6,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; cùng kỳ năm 2022 đạt 8,04% kế hoạch và đạt 8,61% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, vốn trong nước là 49.136,33 tỷ đồng, đạt 6,79% kế hoạch và đạt 7,24% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; Vốn nước ngoài là 111,57 tỷ đồng, đạt 0,40% kế hoạch.
Như vậy, tỷ lệ ước giải ngân 02 tháng kế hoạch năm 2023 thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022. Bộ Tài chính cho biết, có 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 10%. Một số Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Điện Biên (23,44%), Tiền Giang (21,04%), Lâm Đồng (20,31%). Ngược lại, có 50/52 Bộ và 19/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%, trong đó có 44 Bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn.
Trong tháng 02/2023, các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương đang tập trung triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án và đang hoàn thiện thủ tục đầu tư để giải ngân kế hoạch vốn nên tỷ lệ giải ngân đạt thấp.
Khẩn trương phân bổ hết kế hoạch vốn năm 2023
Để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính căn cứ quy định của pháp luật về đầu tư công khẩn trương hướng dẫn và tổng hợp chung nhu cầu của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương về việc kéo dài thời gian bố trí vốn của các dự án sử dụng ngân sách trung ương sang năm 2023 và kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022 sang năm 2023 theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.
Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm trình cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội cho các dự án để các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương có cơ sở giao kế hoạch vốn năm 2023 cho các dự án thuộc Chương trình.
Đối với các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại Công văn số 03/BTC-ĐT ngày 3/01/2023 của Bộ Tài chính về việc đôn đốc phân bổ, nhập dự toán Tabmis và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Trong đó, khẩn trương phân bổ hết kế hoạch vốn năm 2023 cho các dự án để triển khai thực hiện ngay từ đầu năm.
Đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Tài chính đề nghị các chủ Chương trình/dự án/ tiểu dự án thành phần (Ủy ban Dân tộc, Bộ Thông tin và Truyền thông) và UBND các tỉnh ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ cơ chế chính sách và kịp thời hướng dẫn tổ chức triển khai, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đôn đốc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của vốn đầu tư công. Theo đó, giải ngân đầu tư công vừa là nguồn lực, vừa là động lực phát triển đất nước.
Thủ tướng nêu rõ mục tiêu phải giải ngân đạt ít nhất 95% trong tổng số hơn 711 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023. Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023; Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, bảo đảm sự linh hoạt, chủ động trong điều hành kế hoạch gắn chỉ đạo với kiểm tra, đôn đốc; Chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để hoàn thành thủ tục và làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, nâng cao tính sẵn sàng, tính khả thi triển khai thực hiện dự án…
Trần Huyền (Theo tapchitaichinh.vn)
Dẫn nguồn theo: https://tapchitaichinh.vn/khan-truong-phan-bo-het-ke-hoach-von-dau-tu-cong-nam-2023-cho-cac-du-an.html